Đây là tên gọi được người dân và du khách dành cho tiệm bánh tiêu tại địa chỉ 43 (Đồ Chiểu, phường 1, TP. Vũng Tàu). Nhưng chữ “chảnh” ở đây được hiểu là “hot” là đắt hàng. Bởi vì thực khách muốn thưởng thức món bánh nổi tiếng này có lúc phải đợi 1-2 tiếng hoặc gọi điện thoại đặt trước 1 ngày.
Bà Bích Hà cùng công đoạn gói nhân cho bánh tiêu hột gà. |
Đi dọc theo con đường Đồ Chiểu, rất dễ bắt gặp một chiếc xe đẩy bằng gỗ khá nhỏ, không bàn ghế, không biển hiệu, nhưng lúc nào cũng đông khách đứng đợi mua bánh. Đó là hình ảnh của tiệm bánh tiêu có tuổi đời hơn 30 năm của bà Huỳnh Thị Bích Hà (54 tuổi), một người Việt gốc Hoa. Điểm đặc biệt của món bánh tiêu Đồ Chiểu là thay vì làm sẵn như những nơi khác thì mọi công đoạn như nhào bột, gói nhân và chiên bánh được bà Bích Hà và 4 nhân viên làm trực tiếp tại quầy.
Điều thú vị là khi đến tiệm, khách hàng có thể chứng kiến quá trình làm bánh, đây cũng là trải nghiệm thú vị dành cho những người yêu ẩm thực. Nguyên liệu làm bánh thì cũng rất đơn giản, dễ mua, gồm: bột mì, đường, mè… nhưng điểm nhấn chính là nhân bánh. Nếu như ở Sài Gòn, bánh tiêu được biến tấu nhiều nhân như: sầu riêng, khoai môn, đậu đỏ… thì bánh tiêu Đồ Chiểu có nhân đậu xanh và trứng.
“Đối với nhân đậu xanh, tôi phải hấp đậu chín, sau đó giã bằng tay (không được xay) cho tới khi đậu xanh mềm, mịn và nhuyễn. Bánh tiêu hột gà cũng như vậy, hấp chín trứng muối, sau đó giã đều tay tới khi nhuyễn là bánh có nhân mềm mịn”, bà Bích Hà chia sẻ.
Vỏ bánh được bà Bích Hà chế biến từ bột mì cùng một số nguyên liệu khác. Trộn các nguyên liệu theo tỷ lệ phù hợp để tạo ra khối bột dai, mềm nhưng không dính tay, từ đó vắt thành từng khối nhỏ vừa đủ, chấm thêm tý vừng đen. Nhân bánh được bao bọc bởi lớp vỏ bánh, sau khi được cán mỏng bằng chày gỗ. Tiếp tục, cán bánh thành khối mỏng, sau đó thả vào chảo dầu. Bánh được chiên ở lửa vừa, đảo liên tục tới khi bánh phồng tròn, xốp, vàng đều thì vớt ra.
Bánh tiêu Đồ Chiểu mới ra lò. |
Nhìn bên ngoài, người ta sẽ cảm thấy bánh tiêu ở đây cũng giống như bao nơi khác. Đó là phần vỏ bằng bột được rắc thêm lớp mè rang rồi chiên phồng. Nhưng vỏ bánh ở đây không quá dày như các nơi khác mà mỏng ở mức vừa phải. Kích thước bánh cũng không quá to mà được cân lượng vừa đủ cho mọi người dễ ăn. Bánh tiêu vừa chiên xong nên nhân đậu còn hơi nóng, ẩm, mềm và dính đều hai bên thành bánh mỏng căng phồng chứ không hề vón cục. Vừa cắn chạm vào, vị bùi béo đã vội chực trào khắp khoang miệng. Lớp vỏ bột giòn thơm lừng mùi mè càng nhai càng thấy ngon. Điều này đã tạo nên sự khác biệt và thương hiệu đặc trưng cho bánh tiêu Đồ Chiểu. Vì vậy, bánh tiêu được thực khách yêu thích và ưa chuộng.
Vừa vắt bánh, vừa kiểm tra số lượng trên những tờ giấy được viết kín đơn hàng của khách đặt trước, bà Bích Hà chia sẻ, vào những ngày cao điểm, quán vừa dọn hàng đã phải treo bảng “HẾT BÁNH” là chuyện bình thường. Vì vậy, tới tiệm bánh sẽ dễ bắt gặp tình huống khách không mua được bánh hoặc tới nhiều lần mới mua được.
“Tôi biết đến quán này từ một người bạn, nghe nói đến Vũng Tàu nhất định phải thưởng thức món bánh tiêu đậu xanh ở đây. Tôi đến đây nhiều lần rồi nhưng chưa lần nào mua được bánh. Được cô chủ quán dặn phải gọi điện đặt trước, lần này xuống Vũng Tàu, tôi đã gọi điện đặt trước 1 ngày. Bánh tiêu này nhỏ, nóng hổi, thơm lừng mùi mè, kèm theo vị béo của nhân đậu, rất ngon”, anh Nguyễn Văn Hoàng (quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Được biết, mỗi ngày tiệm bán ra hơn 800-1.000 chiếc, giá bánh tiêu đậu xanh và bánh tiêu hột gà 5.000 đồng/cái. Ngoài ra, tiệm có bán thêm bánh chuối với giá 10.000 đồng/cái.
“Để bảo đảm tới tiệm không về tay không, thực khách có thể liên hệ trước qua số điện thoại: 02543.816.414 để đặt bánh và tiệm sẽ không nghe máy khi đã nhận đủ đơn đặt hàng”, bà Bích Hà nói thêm.
Bài, ảnh: NHUNG HOA
Nguồn tham khảo: https://baobariavungtau.com.vn/du-lich/202103/banh-tieu-chanh-nhat-vung-tau-921943/
Để lại một bình luận