Việc đảm bảo một chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý khi bị sốt sẽ giúp cơ thể nhanh chóng khỏi bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết khi bị sốt nên và không nên ăn gì. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn câu trả lời bổ ích.
Khi bị sốt nên:
Uống nhiều nước: Thông thường, khi cơ thể mất nước các vi rút vi khuẩn sẽ phát triển mạnh hơn. Do vậy, khi bị sốt bạn nên uống nhiều nước hơn bình thường để bù lại lượng nước đã mất.Việc bổ sung nước khi sốt sẽ giúp bạn không bị kiệt sức, loại bỏ các độc tố trong cơ thể nhanh và dễ dàng hơn. Ngoài ra, có thể thay nước lọc bằng nước đun sôi để nguội pha với hydrit hoặc oresol để bù đắp điện giải cho cơ thể.
Ăn thức ăn dạng lỏng: Các món ăn như súp, bún, phở, cháo loãng…được chế biến cùng với thịt gà, thịt lợn, thịt bò sẽ giúp bạn bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, xoa dịu các cơn khó chịu. Đặc biệt, món cháo hoặc súp nấu từ thịt gà – nhất là gà ác- ngoài công dụng bổ sung dinh dưỡng còn giúp cơ thể chống lại mất nước và viêm nhiễm.
Nước hoa quả, sinh tố: Các loại trái cây như cam, chanh, dâu tây, xoài, chuối… là ưu tiên hàng đầu khi bạn bị sốt. Bởi nó vừa cung cấp thêm vitamin vừa giúp hạ sốt và bù đắp các chất điện giải đã bị mất cho cơ thể. Bạn có thể xay hoặc ép thành nước hoa quả để dễ uống hơn nếu không muốn ăn.
Ăn nhiều rau xanh: Những thực phẩm như cà chua, mồng tơi, rau muống, rau cải, rau dền… chế biến dưới dạng luộc, nấu canh có thể giúp bạn hạ nhiệt cơ thể khi đang bị sốt. Lưu ý, trong thời gian bị bệnh, đừng nên kiêng quá nhiều trong khẩu phần ăn hằng ngày bởi nó sẽ khiến bạn thiếu hụt dinh dưỡng.
Ăn sữa chua: Sữa chua là một món ăn tuyệt vời khi bạn bị ốm hoặc sốt, giúp bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột để cơ thể khỏe hơn, tiêu hóa tốt hơn, tránh mắc các bệnh khác.
Khi bị sốt không nên:
Uống nhiều nước lạnh: Khi bị sốt, nếu bạn uống nhiều nước lạnh thì nhiệt độ của cơ thể sẽ không giảm mà ngược lại còn sốt cao hơn. Đặc biệt, nếu bạn bị sốt do bệnh truyền nhiễm, chức năng của hệ tiêu hóa bị giảm sút, việc uống nước quá lạnh sẽ rất nguy hiểm với sức khỏe.
Uống trà: Chất ta-nanh có trong trà sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể tăng lên. Uống nhiều trà đặc biệt là trà quá đặc sẽ khiến não ở trạng thái bị kích thích, làm tăng huyết áp dẫn đến tăng nhiệt độ cơ thể của người bệnh. Mặt khác, uống trà sẽ làm giảm hoặc mất hẳn tác dụng của thuốc hạ sốt.
Ăn trứng: Trứng là thực phẩm rất bổ dưỡng cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi bị ốm thì bạn không nên ăn trứng bởi trong trứng có chứa rất nhiều protein, sẽ tạo ra nhiệt lượng lớn cho cơ thể. Những người đang bị sốt, đặc biệt là trẻ em, nếu ăn trứng gà sẽ làm cho nhiệt lượng cơ thể tăng cao không phát tán ra ngoài được, dẫn đến tình trạng sốt kéo dài hơn, lâu khỏi hơn.
Mật ong: Tuy mật ong là loại thuốc bổ rất tốt cho cơ thể, nhưng khi bị sốt nếu ăn quá nhiều mật ong dễ khiến nhiệt độ cơ thể tăng thêm.
Ăn các loại gia vị như tỏi, ớt, tiêu: Các gia vị cay, đồ ăn cay có tính nóng sẽ làm cơ thể sản xuất rất nhiều nhiệt. Chính vì vậy, đây là lý do mà những người đang bị sốt nên hạn chế sử dụng các thực phẩm cay nóng.
Nguồn tham khảo: http://khamsuckhoedinhky.com.vn/khi-bi-sot-nen-va-khong-nen-an-gi/#:~:text=%C4%82n%20nhi%E1%BB%81u%20rau%20xanh%3A%20Nh%E1%BB%AFng,b%E1%BA%A1n%20thi%E1%BA%BFu%20h%E1%BB%A5t%20dinh%20d%C6%B0%E1%BB%A1ng.
Để lại một bình luận