Trong khoảng thời gian này, một số bé đã biết nhoẻn miệng cười. Các bé có xu hướng ngủ nhiều hơn vào ban đêm, thậm chí có thể ngủ một giấc dài khoảng 4 giờ.
Con cũng có sự phát triển tốt hơn về tầm nhìn và sự tập trung, do đó, bé có thể tập trung cả hai mắt để nhìn một đối tượng cụ thể. Đặc biệt là con cũng có thể phân biệt được các màu sắc nhất định.
3. Trẻ 6 tuần tuổi
Trẻ 6 tuần tuổi có thể tăng trung bình 140 – 200 gram mỗi tuần.
Thính giác của trẻ 6 tuần tuổi đã phát triển đầy đủ nên con sẽ tập trung sự chú ý vào âm thanh hay giọng nói tốt hơn. Ngoài việc trò chuyện với bé, bạn có thể cho bé nghe nhạc, hát cho bé nghe…
Trí nhớ và tầm nhìn của con cũng dần phát triển, vì vậy bé có thể tỏ ra phấn khích khi nhìn thấy cha mẹ. Trong giai đoạn này, bé sẽ có một số biểu hiện trên gương mặt như nhướng chân mày, mím môi.
4. Trẻ 7 tuần tuổi
Khi con được 7 tuần tuổi, bạn sẽ nhận thấy chiều cao của bé đã tăng thêm khoảng 4 – 5 cm. Não và thị lực cũng phát triển tốt hơn trước, con có thể nhìn được vật cách xa khoảng 60cm. Nếu quan sát bé, bạn sẽ nhận ra con sẽ tập trung hơn khi nhìn một vật nào đó đang chuyển động.
Đây là thời điểm tuyệt vời để trò chuyện với bé, cho con nghe nhạc, xem sách có các hình ảnh sinh động nhiều màu sắc… để cải thiện nhận thức của trẻ.
Trẻ 7 tuần tuổi cũng biết điều khiển tay để lấy những thứ mà bé muốn nên con sẽ cố gắng quơ bất cứ thứ gì trong tầm tay. Do đó, bạn cần đảm bảo bé không ở gần những vật có nguy cơ gây ra tai nạn.
Sức khỏe của trẻ 1 tháng tuổi
Hầu hết các bậc cha mẹ đều tỏ ra lo lắng nếu con thường xuyên quấy khóc trong độ tuổi này.
Nếu bé khóc thường xuyên và bạn nghĩ rằng con có thể đang bị những cơn đau co thắt ở trẻ sơ sinh (hội chứng colic hay trẻ khóc dạ đề) làm phiền, hãy kiểm tra các triệu chứng.
Trẻ sơ sinh khóc dạ đề thường có biểu hiện như: bụng cứng, co đầu gối lên phía ngực, mắt nhắm chặt hoặc mở to khi khóc. Ngoài ra, con có thể nín thở trong khi khóc. Nguyên tắc chung để xem xét trẻ có đang có vấn đề với hội chứng này hay không căn cứ vào tiêu chí sau: khóc 3 giờ mỗi ngày, 3 ngày mỗi tuần và kéo dài ít nhất trong 3 tuần.
Thực tế, không phải các cơn khóc của trẻ sơ sinh đều cảnh báo một vấn đề nào đó nghiêm trọng. Khóc là cách tự nhiên để con giao tiếp với bạn, báo cho bạn biết con đói, con cần thay tã, con muốn được vỗ về… Đồng thời, tiếng khóc của trẻ sơ sinh cũng là dấu hiệu cho biết con khỏe mạnh. Nếu bé cưng của bạn không khóc hoặc chỉ ọ ẹ, bạn nên đưa bé đến bác sĩ nhi khoa để tìm hiểu nguyên nhân do đâu.
Nguồn tham khảo: https://hellobacsi.com/nuoi-day-con/be-0-1-tuoi/nam-dau-doi-cua-be/tre-so-sinh-1-thang-tuoi/
Để lại một bình luận