Bụi Phấn
Bụi Phấn được bình chọn là 1 trong 50 ca khúc hay nhất thế kỷ 20. Đây là một trong những sản phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Vũ Hoàng, sáng tác năm 1982, cũng là năm đầu tiên sau quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Sau khi Nhà nước công nhận ngày 20/11 hằng năm là ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo, nhà trường nôi ông công tác đề nghị ông viết một bài hát về thầy cô. Yêu cầu của bài hát vô cùng giản dị đó là đơn giản, dễ nhớ và làm sao in vừa trong một trang sách nhỏ để tất cả sinh viên, học sinh đều dễ dàng học thuộc.
Trong lúc đang bí ý tưởng thì ông gặp một người bạn tên Lộc, ông Lộc kể “Tôi vừa đi dự một buổi chia tay với một ông thầy ở chỗ tôi làm việc. Ông thầy này có một cái đặc biệt là ông viết gì trên bảng thì bụi phấn cũng rơi làm trắng mái tóc. Nên tôi thấy đẹp quá và làm liền mấy câu thơ: ‘Khi thầy viết bảng/Bụi phấn rơi rơi/Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng/Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy’
Ông thấy hay, và hình ảnh đẹp quá nên không chỉnh sửa gì chỉ thêm phần điệp khúc như chúng ta vẫn biết ngày nay. Và bắt đầu từ những năm 2000 cho đến nay, mỗi dịp 20/11 gần như giai điệu da diết, bình yên của Bụi Phấn vang lên trên khắp các sân khấu của các trường học. Càng ngày nó càng khẳng định được giá trị trường tồn với thời gian của mình, đây cũng là tác phẩm viết về đề tài thầy cô thành công nhất của nhạc sĩ Vũ Hoàng. Hiện nay rất nhiều bạn trẻ đã chuyển thể bài hát sang tiếng Anh, và cả hai bản Anh Việt thường xuyên xuất hiện song song trên sân khấu các nhà trường.
Mong ước kỷ niệm xưa
Đây là ca khúc khiến bao thế hệ nhớ về thời học trò khi nghe được giai điệu. Nó không được sáng tác dành riêng cho chủ đề “thầy cô và mái trường”, mà mục đích ban đầu là bài hát cho một bộ phim. Nhưng những ca từ, giai điệu của bài hát này lại có sức sống mãnh liệt hơn rất nhiều so với bộ phim mà nó làm nền.
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Phương đã lột tả xuất sắc sự nuối tiếc của lứa tuổi học trò khi phải ra trường trong Mong ước kỷ niệm xưa. Và nó còn sống mãi với nhiều lứa học sinh cuối cấp dù xe đạp đã ít đi, phấn trắng, bảng đen cũng không còn là vật nhất định phải có trong một tiết học nữa… Nhưng những trò quậy phá, những tình bạn hồn nhiên, trong sáng… vẫn như thế, vẫn là những kỷ niệm không thể phai nhòa của mỗi người thời cắp sách đến trường.
Nhớ ơn thầy cô
Nhớ ơn thầy cô là một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, một nha sĩ nổi tiếng với tâm hồn nghệ sĩ, ông có rất nhiều sáng tác nhạc trẻ và nhạc thiếu nhi nổi tiếng, Nhớ ơn thầy cô là một trong số đó. Ca khúc này từ khi sáng tác đã được rất nhiều thế hệ học trò yêu mến, và dường như là bài “tủ” của mỗi mùa 20/11.
Khi tóc thầy bạc
Bài hát Khi tóc thầy bạc trắng ra đời trong một cuộc vận động sáng tác về ngành giáo dục năm 1994, như một cách để nhạc sĩ Trần Đức tri ân người thầy giáo cũ của mình. Ông từng tâm sự “Ngày tôi học với thầy, tôi chỉ cao đến ngang vai thầy nhưng trong lần gặp gỡ ấy, đứng so với tôi thầy chỉ cao ngang vai tôi”. Từ sự xúc động ấy mà ca khúc này ra đời, và cũng trở thành một trong những bài hát không thể thiếu trong Ngày nhà giáo Việt Nam hàng năm, và Khi tóc thầy bạc cũng nằm trong danh sách 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20.
Ngày đầu tiên đi học
Ngày đầy tiên đi học ra đời vào năm 1991. Khi ấy, Nguyễn Ngọc Thiện biên tập cho video thiếu nhi Cả nhà thương nhau cùng với nhạc sĩ Trần Thanh Tùng. Tình cờ đọc được bài thơ của tác giả Viên Phương trên báo Khăn Quàng Đỏ, ông đã phổ thành ca khúc thiếu nhi với tựa đề Ngày đầu tiên đi học. Đây được xem là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện về đề tài thiếu nhi. Đã 30 năm kể từ ngày ra mắt, ca khúc này vãn được nhiều thế hệ ca sĩ chọn thể hiện và là một trong những bài hát không thể thiếu trong các chương trình văn nghệ học đường.
Thầy cô cho em mùa xuân
Đây lại là một ca khúc nữa của nhạc sĩ Vũ Hoàng. Lời bài hát Thầy cô cho em mùa xuân rất ý nghĩa, đây cũng là món quà tinh thần của các em học sinh dành tặng tới những thầy cô giáo của mình. Bài hát với giai điệu nhẹ nhàng nhưng bộc lộ được tình cảm cùng với những công ơn to lớn mà thầy cô dành cho học trò của mình.
Người thầy năm xưa
Là một trong 10 ca khúc đầu tiên mà Nguyễn Văn Chung viết khi còn là một cậu sinh viên năm nhất. Đó là thời điểm tôi mới vào nghề, tập tành sáng tác và đang cố gắng tìm viết những chủ đề gần gũi quanh mình. “Và đúng là tôi viết bài đó gần dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm 2001”, Nguyễn Văn Chung nhớ lại.
Bài học đầu tiên
Sáng tác của Trương Xuân Mẫn cùng với nhiều bài hát hay như “Ngày đầu tiên đi học”, “Bụi phấn”…, “Bài học đầu tiên” vẫn là ca khúc quen thuộc với mọi thế hệ học trò. “Bài học đầu tiên”- tên nhạc phẩm này như tự thân tên gọi, đó chính là lần đầu tiên được tới trường, lần đầu tiên được nghe bài giảng của thầy, là lần đầu tiên người thầy dạy học trò vươn tới những ước mơ về tương lai từ những điều rất giản dị giữa cuộc đời với những ca từ mộc mạc, trong veo mà da diết…
Một chương trình văn nghệ nhà trường ngày 20/11 không thể thiếu các ca khúc mà chúng tôi vừa kể. Những bài hát về thầy cô, về bạn bè, về mái trường đi cùng năm tháng. Và những ca khúc bất hủ trong bài viết này có thể là những gợi ý tốt nhất cho các bạn trong mùa 20/11 năm nay.
Nguồn tham khảo: https://vietthuong.vn/nhung-bai-hat-hay-nhat-ve-thay-co-va-mai-truong
Để lại một bình luận