Đối với trẻ sơ sinh, giai đoạn 5 tháng là giai đoạn quan trọng bởi đây là thời điểm trẻ có những thay đổi tích cực cả về thể chất lẫn tinh thần. Để các bé có thể phát triển một cách toàn diện, cha mẹ nên theo dõi cân nặng của trẻ. Vậy trẻ 5 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là chuẩn, cùng Monkey tìm hiểu trong bài viết sau.
1. Đặc điểm phát triển chung của bé 5 tháng tuổi
Cha mẹ có biết bé 5 tháng tuổi có những sự thay đổi nào không? Dù mỗi em bé của chúng ta có cách phát triển khác nhau thế nhưng hầu hết các bé đều có một số các phát triển chung về nhận thức, về sự vận động và cả các giác quan nữa.
Trước tiên là về khả năng quan sát và vận động, trí thông minh của trẻ 5 tháng tuổi phát triển rất nhanh khi trẻ bắt đầu chăm chú quan sát các hành động của cha mẹ hay sự chuyển động của đồ vật,… Điển hình là việc trẻ rất thích quan sát mọi người trong lúc ăn cơm và giơ tay hoặc há mồm để bắt chước. Trẻ cũng có thể dễ dàng cầm nắm các món đồ chơi, cầm bình sữa tự bú, tự lật mình để khám phá thế giới,…
Khả năng nghe nhìn của trẻ cũng trở nên hoàn thiện khi bé có thể nhận thức và phản ứng lại khi nghe thấy ai đó gọi tên mình. Tuy chưa thể nói rõ tiếng thế nhưng các bé yêu đã biết ê a và reo hò khi bạn gọi hay nô đùa cùng bé. Tích cực nói chuyện với trẻ trong giai đoạn này có thể giúp trẻ học nói nhanh hơn cha mẹ.
Đặc biệt là khả năng bày tỏ cảm xúc, các em bé 5 tháng tuổi thường thích thú, hào hứng nhất vào buổi sáng bởi đây là lúc các bé đã trải qua một đêm ngủ đủ giấc và được ti mẹ thật no. Còn nếu bạn thấy trẻ không vui hay có dấu hiệu cáu gắt, nhõng nhẽo, rất có thể các bé đang đói, đang khó chịu trong người hay chỉ đơn giản là bỉm của con đã đầy rồi các mẹ ơi. Hãy quan sát bé yêu thật kỹ để tìm ra nguyên nhân trẻ khó chịu cha mẹ nhé!
2. Trẻ 5 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là đủ?
Một trong những băn khoăn lo lắng hàng đầu của các bậc cha mẹ đó là: Làm thế nào để biết bé yêu đang phát triển bình thường? Em bé 5 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là đủ?…
Chỉ số cân nặng được xem một trong những tiêu chuẩn mà nhiều tổ chức y tế lựa chọn để đánh giá sự phát triển của trẻ trong đó có WHO. Theo tổ chức này, cân nặng bé trai 5 tháng khoảng 7,5kg được xem là phát triển ổn định trong khi ở bé gái chỉ số cân nặng bình thường là 6,9kg. Giai đoạn sơ sinh là khoảng thời gian cân nặng của bé phát triển rất nhanh nếu bé nhận được đầy đủ dinh dưỡng từ mẹ. Trọng lượng của bé 5 tháng tuổi có thể không đúng chuẩn theo chỉ số cân nặng quy định. Tuy nhiên cha mẹ hãy cố gắng để cân nặng của con gần nhất với chỉ số tiêu chuẩn trên nhé.
2.1. Khi nào trẻ 5 tháng tuổi nhẹ cân suy dinh dưỡng?
Nếu cân nặng của trẻ 5 tháng tuổi thấp hơn nhiều so với cân nặng tiêu chuẩn sẽ bị coi là suy dinh dưỡng. Theo WHO, trẻ suy dinh dưỡng khi cân nặng của bé trai 5 tháng tuổi dưới 6,1kg và cân nặng bé gái 5 tháng tuổi dưới 5,5kg. Nhóm trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng nằm trong khoảng 6.2 – 7.4kg đối với bé trai và trong khoảng 5.6 – 6.8kg đối với bé gái.
Một em bé ở giai đoạn 5 tháng tuổi nếu chỉ nặng 5kg, dù là bé trai hay bé gái đều nằm trong nhóm trẻ suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
2.2. Dấu hiệu cho thấy bé 5 tháng bị thừa cân
Trái ngược với nhóm trẻ suy dinh dưỡng, bé 5 tháng tuổi có cân nặng cao hơn nhiều chỉ số cân nặng tiêu chuẩn được xếp vào tình trạng thừa cân. Nhiều cha mẹ cho rằng cân nặng của trẻ tăng nhiều và nhanh là biểu hiện cho thấy bé yêu hấp thụ tốt, thế nhưng trên thực tế, thừa cân có thể dẫn đến nguy cơ cao mắc béo phì, các bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao… đối với sự phát triển sau này của trẻ.
Ngoài ra, sự chênh lệch cân nặng còn do nhiều nguyên nhân về bệnh lý khác, để tìm hiểu rõ nguyên nhân này, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm để có hướng điều trị kịp thời.
3. Tiêu chuẩn chiều cao của trẻ 5 tháng tuổi
Bên cạnh cân nặng, chiều cao bé 5 tháng cũng rất được các bậc phụ huynh quan tâm. Theo Tổ chức Y tế WHO quy định, chiều cao trung bình của trẻ dựa trên giới tính và tháng tuổi nhất định. Một bé trai 5 tháng tuổi cần có chiều cao dao động trong khoảng 61,9 – 65,9cm còn đối với bé gái là 59,6 – 68,5cm.
Chiều cao cân nặng là hai chỉ số luôn song hành cùng nhau trên hành trình lớn khôn của trẻ, chiều cao chỉ phát triển tối ưu khi trẻ có đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết trong cơ thể của mình và ngược lại. Ở trong giai đoạn sơ sinh, giấc ngủ đêm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển chiều cao của trẻ bởi đây là thời điểm các hoóc môn tăng trưởng hoạt động mạnh mẽ.
Xem thêm: [Bật mí] 10 điều chưa biết về cân nặng bé trai 4 tháng tuổi và sự phát triển chung của con
4. Điều gì ảnh hưởng tiêu cực đến cân nặng & sự phát triển chung của trẻ 5 tháng?
Cha mẹ đã từng bế tắc khi không biết tại sao dù đã thử nhiều cách nhưng trọng lượng của bé vẫn không được cải thiện. Vậy rốt cuộc điều gì đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các bé 5 tháng tuổi?
Nguyên nhân đầu tiên và thường gặp nhất đó là do sự ảnh hưởng từ gen di truyền của cha mẹ. Nếu sức khỏe của cha mẹ (các yếu tố về nhóm máu, lượng mỡ thừa,…) không tốt rất có thể các bé sẽ bị di truyền điều này. Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với thời tiết, các yếu tố về môi trường sống về: khí hậu thất thường, mức độ ô nhiễm môi trường, bụi mịn,… cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ.
Ngoài ra, các nguyên nhân trẻ chậm lớn còn có thể là do các bệnh lý bẩm sinh mà trẻ từng mắc, rối loạn giấc ngủ ngày và đêm, biếng ăn sinh lý đã khiến sức đề kháng, khả năng hấp thụ dinh dưỡng của con bị giảm dần. Hay trong quá trình mẹ mang thai, người mẹ thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng hoặc không ăn uống đủ chất cũng khiến bé khi sinh ra sẽ chậm chạp hơn. Bên cạnh đó, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng của bé nên nếu mẹ ăn uống không đủ chất hay sức khỏe không tốt cũng sẽ ảnh hưởng đến bé. Mẹ nên ăn đầy đủ các nhóm chất có lợi như: chất đạm, chất béo, axit folic, canxi, các axit béo cần thiết như DHA,… với chế độ ăn uống khoa học.
5. Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt cải thiện cân nặng chiều cao tốt nhất
Để bé yêu có thể phát triển hoàn thiện theo chỉ số cân nặng tiêu chuẩn, thay đổi và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt ở trẻ là điều cha mẹ cần chú trọng nhất là đối với giai đoạn trẻ 5 tháng.
5.1. Trẻ 5 tháng tuổi ăn bao nhiêu là đủ?
Đối với trẻ sơ sinh, sữa mẹ được xem là nguồn dinh dưỡng chính, lượng sữa mẹ đủ để đáp ứng nhu cầu của bé từ 828ml – 1.182ml/ngày. Bên cạnh sửa mẹ, mẹ có thể linh hoạt cho con làm quen với kiểu uống sữa công thức, tránh sử dụng các loại sữa tươi không phù hợp với giai đoạn 5 tháng tuổi.
Bước sang tháng thứ 5, trẻ đã có thể làm quen với các món ăn dặm từ rau củ quả, thịt, tôm, cá. Các bữa ăn này là các bữa ăn phụ trong ngày với mục đích giúp bé yêu làm quen với các hương vị khác nhau. Để hệ miễn dịch của con được nâng cao, cha mẹ cần đảm bảo cung cấp cho bé đầy đủ các nhóm chất bao gồm chất đạm, chất béo, vitamin & khoáng chất, calo…
5.2. Em bé 5 tháng ngủ bao nhiêu là đủ?
Ăn ngủ là hai hoạt động thiết yếu trong độ tuổi sơ sinh để con chóng lớn. Đối với trẻ 5 tháng tuổi, tổng số thời gian ngủ một ngày sẽ rơi vào khoảng 14 tiếng được chia thành giấc ngủ ban đêm và nhiều giấc ngủ ngắn trong ngày. Giấc ngủ ngắn có thể dao động từ 2 đến 3 giấc rơi vào khung giờ buổi sáng và buổi chiều. Trong đó, mỗi giấc ngủ thường sẽ kéo dài tối đa 2 tiếng 30 phút và thời gian thức tối đa giữa các giấc ngủ ngắn đó là từ 2 – 2,5 giờ.
5.3. Thời gian sinh hoạt hợp lý cho trẻ sơ sinh 5 tháng tuổi
Thời gian sinh hoạt của trẻ 5 tháng được dựa trên chế độ ăn ngủ nghỉ hợp và việc phân bổ thời gian vui chơi hợp lý.
Dưới đây là thời gian biểu (theo phương pháp EASY dành cho bé sơ sinh) gợi ý dành cho cha mẹ có bé trong giai đoạn 5 tháng tuổi:
7h – 9h: Cho bé thức dậy, bú mẹ no (khoảng 180ml – 220ml) và vận động, giao tiếp với mẹ
9h – 11h: Thực hiện giấc ngủ ngắn ngày đầu tiên
11h – 14h: Cho bé ăn sữa (khoảng 220 – 250 ml) và vận động cùng cha mẹ
14h – 15h30: Thực hiện giấc ngủ ngắn ngày lần thứ hai
15h30 – 17h30: Cho bé thức dậy và ăn một cữ sữa (khoảng 180 – 220ml), chơi tự lập
17h30 – 19h: Tắm cho bé và ăn sữa bữa tối (khoảng 220 – 250ml)
19h: Thực hiện giấc ngủ đêm, nếu trẻ thức giấc giữa chừng mẹ có thể cho bé bú thêm.
Nếu các mẹ đang cho bé tập làm quen với sữa công thức, hãy linh hoạt thay đổi vào những khung giờ trên để bé sinh hoạt theo đúng phương pháp EASY nhé.
6. Một số lưu ý khi chăm sóc bé 5 tháng giúp con phát triển toàn diện
Bên cạnh một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau đây:
Cho bé uống sữa đầy đủ theo thời gian cụ thể
Bổ sung men vi sinh giúp con yêu kích thích ăn ngon
Cho con ăn dặm đúng cách: làm quen với tinh bột trước sau đó đến các loại rau củ quả trước khi chuyển sang ăn thịt, tôm, cá
Không nên ép con ăn dặm nếu bé không cảm thấy thích thú
Tăng cường tiếp xúc da thịt giữa mẹ và bé qua các bài tập massage giúp kích thích quá trình trao đổi chất và tăng cường chức năng hệ tiêu hóa của con, từ đó giúp con tăng cân nhanh chóng.
Đưa trẻ đi khám dinh dưỡng định kỳ và tiêm phòng đúng lịch
Kết hợp cho con vận động, vui chơi phù hợp để con phát triển toàn diện về mặt thể chất
Trên đây là toàn bộ thông tin bổ ích xoay quanh vấn đề cân nặng của trẻ 5 tháng tuổi. Hy vọng qua bài viết trên, Monkey đã giúp cha mẹ hiểu hơn về trẻ 5 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là đủ và những lưu ý cần thiết giúp bé yêu phát triển hoàn thiện về thể chất lẫn tinh thần.
Nguồn tham khảo: https://monkey.edu.vn/ba-me-can-biet/su-phat-trien-cua-tre/giai-doan-dau-doi/tre-5-thang-tuoi-nang-bao-nhieu-kg#:~:text=Ch%E1%BB%89%20s%E1%BB%91%20c%C3%A2n%20n%E1%BA%B7ng%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c,b%C3%ACnh%20th%C6%B0%E1%BB%9Dng%20l%C3%A0%206%2C9kg.
Để lại một bình luận