06-12-2019
Tam Cá Nguyệt 1 – 3 tháng đầu thai kỳ (tuần 3 – tuần 12)
Sự phát triển từng tuần của bé (3 tháng đầu thai kỳ)
Tuần 3 là thời điểm đánh dấu sự hiện diện của thiên thần nhỏ bên trong cơ thể Mẹ. Trứng thụ tinh bây giờ đã phân chia thành hàng trăm tế bào và chúng được gọi là phôi thai.
Tuần 4, phôi thai tiếp tục phát triển và có 3 lớp. Lớp bên trong (lớp nội bì) sẽ phát triển thành phổi, gan và bộ máy tiêu hóa. Lớp giữa (lớp trung bì) sẽ phát triển thành xương, cơ, thận, cơ quan sinh dục và tim. Cuối cùng, lớp bên ngoài (lớp ngoại bì) sẽ phát triển thành cơ và các bộ phận khác như da, tóc, mắt và hệ thống thần kinh. Đây cũng là thời điểm Bé yêu dễ bị tổn thương nhất.
Tuần 5, Bé yêu hiện chỉ tương đương với kích thước một hạt táo (khoảng 3,3mm). Đây cũng là giai đoạn ống thần kinh hình thành nên ống xương sống và não bộ.
Tuần thứ 6, đánh dấu sự phát triển đáng kể của rất nhiều chức năng quan trọng của Bé yêu như kích thước não hay như túi mắt (sau này sẽ là mắt). Tim Bé cũng bắt đầu đập, khoảng 100 – 160 lần/phút (nhanh gấp đôi Mẹ). Trong giai đoạn này, mũi, miệng và tai của Bé cũng bắt đầu hình thành.
Tuần 7, dây rốn đã hình thành để cung cấp chất dinh dưỡng cũng như thải những chất bẩn của Bé ra ngoài túi ối. Hệ tiêu hóa và phổi của Bé cũng dần hoàn thiện hơn. Não và tim Bé cũng dần phức tạp hơn, thận tiếp tục phát triển và các ngón tay, ngón chân cũng dần thành hình. Các nét trên gương mặt cũng dần hình thành tuy chưa rõ ràng lắm.
Tuần 8, các ngón tay và ngón chân của Bé đang được hình thành. Cánh tay Bé đã có thể cử động, gập duỗi nhờ sự hình thành của khuỷu tay và cổ tay. Các tế bào thần kinh đang mở rộng các nhánh và liên kết với nhau, tạo thành các đường thần kinh nguyên thủy. Phần chồi để sau này phát triển thành cơ quan sinh dục cũng xuất hiện.
Tuần 9, đầu Bé sẽ ngày càng phát triển to hơn và có phần vượt trội so với các bộ phận khác của cơ thể. Cơ quan sinh sản bên trong (như tinh hoàn hoặc buồng trứng) cũng được hình thành trong tuần lễ này.
Tuần 10, đánh dấu bị phát triển nhanh chóng của não bộ, có khoảng 250.000 tế bào thần kinh mới được sản sinh mỗi phút. Các cơ quan thiết yếu khác của Bé như thận, ruột và gan đều đã hoạt động. Móng tay cũng dần xuất hiện trên ngón tay và chân của Bé, tóc Bé cũng bắt đầu xuất hiện.
Tuần thứ 11, gương mặt Bé cũng dần hoàn thiện, đầu của Bé ở giai đoạn này khá to, chiếm ½ chiều dài thân hình Bé. Tay Bé cũng sẽ sớm có thể mở ra và nắm lại, những chiếc răng nhỏ xinh cũng đang bắt đầu xuất hiện bên dưới lợi, một vài phần xương cũng bắt đầu cứng chắc hơn. Cơ quan sinh dục của Bé cũng phát triển nhanh chóng.
Tuần 12, Bé đã có gần như đầy đủ các cơ quan trọng. Các nét gương mặt của Bé cũng dần hoàn chỉnh với chiếc mũi và cằm nhỏ xinh. Não Bé đặc biệt phát triển nhanh trong thời gian này. Tế bào thần kinh đang nhân lên nhanh chóng, khớp thần kinh cũng hình thành với tốc độ chóng mặt.
Dinh dưỡng và sinh hoạt thai kỳ cho mẹ bầu (3 tháng đầu thai kỳ)
Cân nhắc không ăn đồ sống, đồ đông lạnh, một số loại hải sản có nồng độ thủy ngân cao như cá mập, cá kiếm, cá thu vua…, giảm bớt muối hoặc thức ăn ngâm muối.
Khi mang thai, Mẹ nên ăn thêm bao nhiêu khoảng 300 calo/ ngày với đầy đủ 4 nhóm chất, uống thêm nước và tăng cường rau xanh, hoa quả với chế độ 3 phần rau xanh : 2 phần hoa quả tươi để tránh táo bón.
Ngưng sử dụng thuốc lá, rượu; đồng thời tránh lui tới những nơi có khả năng hút thuốc lá bị động
Ngay khi phát hiện có thai, mẹ nên chú ý cung cấp đầy đủ Vitamin cho cơ thể, đặc biệt là Axit Folic (400-800 mg/ngày), Đạm, Canxi (1.200 mg/ngày) và Sắt (30-60 mg/ngày), bổ sung đầy đủ Kali và Magiê nha.
Mẹ cần chú ý cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt cần lưu ý điều chỉnh hàm lượng Axit Folic (dưỡng chất đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển toàn diện của Bé, thường có nhiều trong các loại rau nhiều lá, có màu xanh sậm, các loại đậu, hoa quả hoặc nước hoa quả thuộc họ cam quýt, bánh mì và ngũ cốc) ở mức 400 – 800 micrograms.
Nếu đau đầu, hãy uống nhiều nước ấm. Nước quá lạnh/ nóng đều không tốt cho Mẹ. Nếu cần dùng thuốc giảm đau, Mẹ nhớ hỏi Bác sĩ trước nhé.
Mẹ nên cố gắng nghỉ ngơi, thư giãn và xây dựng thói quen tập luyện thể dục thể thao để giảm nguy cơ mắc tiều đường trong thai kỳ, tránh rủi ro cho xương khớp. Thường xuyên vận động còn giúp Mẹ giảm stress và cải thiện giấc ngủ. Cần biết rằng, khi mang thai, Mẹ bị stress quá mức có thể khiến bé tăng nguy cơ mắc những bệnh như tự kỷ, chậm nói, tăng động, giảm khả năng tập trung. Đi bộ, bơi lội hoặc Yoga đều là những lựa chọn tốt nhưng Mẹ nhớ hỏi nên ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện nhé!
Tuần thứ 8 có thể là tuần đầu tiên Mẹ đi khám thai. Cần siêu âm giai đoạn này để xác nhận túi thai và số lượng thai. Nhớ viết ra những thắc mắc cần hỏi Bác sĩ. Trao đổi với bác sĩ về cân nặng hiện tại và kế hoạch tăng cân trong những tuần kế tiếp. Nếu đang trong quá trình điều trị bệnh, trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang dùng. Đừng ngại nhờ bác sĩ tư vấn về “chuyện yêu” trong quá trình mang thai. Trao đổi với bác sĩ để làm xét nghiệm máu.
Chuyển sang các loại mỹ phẩm không ảnh hưởng cho Bé.
Vì mẹ dễ bị nha chu và hư răng do cung cấp canxi cho bé, vì thế, nên đi khám nha khoa để được bác sĩ tư vấn về chăm sóc răng miệng trong thai kỳ.
Nếu mẹ bị cảm cúm trong giai đoạn này, nên hạn chế dùng thuốc cảm cúm, đồng thời, tăng cường uống nước cam, chanh, bưởi và xông bằng hương xả.
Trong trường hợp mẹ có tiền sử bị tiểu đường, bác sĩ sẽ hướng dẫn chuyển sang điều trị bằng insulin thay vì thuốc uống.
Bơi, đi bộ nhẹ nhàng và các lớp Yoga cho bà bầu là những hoạt động thể thao phù hợp trong suốt 9 tháng thai kỳ.
Xin tư vấn bác sĩ để siêu âm đo độ mờ da gáy (NTS) khi thai được 11-12 tuần và xét nghiệm máu để tránh các bất thường của thai và bệnh lý của mẹ. Nếu Mẹ đang đi làm, nhớ tìm hiểu về quy định nghỉ thai sản và lên kế hoạch thông báo cho sếp và đồng nghiệp.
Nếu không kiểm soát bệnh tăng huyết áp trước khi mang thai, Mẹ có nguy cơ gặp biến chứng tiền sản giật. Vì vậy, nếu mẹ đang sử dụng các loại thuốc điều trị cao huyết áp, bướu cổ thì cần xin ý kiến của bác sĩ, không được tự ý ngưng thuốc vì có thể gây bệnh lý ở mẹ.
Những thay đổi về sức khỏe của mẹ bầu (3 tháng đầu thai kỳ)
Từ tuần thứ 5, Mẹ sẽ bắt đầu nhận biết rõ rệt hơn những dấu hiệu khi mang thai (như tức ngực, buồn nôn hoặc mệt mỏi).
Mẹ có thể vui buồn thất thường, tính tình gàn dở, mới vui đó đã thấy buồn ngay. Nguyên nhân chính là vì cơ thể Mẹ đang phải điều chỉnh rất nhiều, nhất là hormone, để chuẩn bị cho sự phát triển của Bé yêu.
Mẹ có thể bị ốm nghén (hoặc không) vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày nhưng sẽ dần thuyên giảm ở tuần 12 của thai kỳ.
Mẹ cũng có thể ra một ít máu. Hiện tượng này thường bị hiểu nhầm với việc có kinh trở lại sau khi bị trễ. Tuy nhiên khi gặp trường hợp này, Mẹ cần báo ngay cho bác sĩ nhé!
Ở tam cá nguyệt thứ nhất Mẹ sẽ tăng 0 – 1kg. Tuy nhiên nếu Mẹ bị nghén thì có thể sẽ không tăng cân nào. Tuy nhiên nếu bị ốm nghén quá nặng hoặc sụt cân đột ngột, Mẹ nhớ chia sẻ ngay với Bác sĩ nhé. Thông thường, tuần 9 là thời điểm ốm nghén dữ dội nhất.
Từ tuần thứ 9, Mẹ sẽ thường xuyên có cảm giác muốn đi vệ sinh do kích thước tử cung đã to gấp đôi, cộng thêm lượng máu dồn về khu vực xương chậu.
Hơi đau ở vùng bụng dưới là hiện tượng đau dây chằng khá phổ biến khi mang bầu. Ngoài ra, Mẹ có thể ra nhiều khí hư (dịch nhầy không mùi, trong suốt). Đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể để loại bỏ vi khuẩn. Nhưng nếu khí hư có màu, dính máu, có mùi hôi hoặc cảm thấy khó chịu, Mẹ cần đến gặp Bác sĩ ngay.
Từ tuần thứ 11, những cơn chuột rút sẽ khiến Mẹ gặp không ít khổ sở. Mẹ nhớ uống nhiều nước, giãn cơ chân thương xuyên và chú ý chế độ ăn đầy đủ Kali Magiê và Canxi nha.
Tuần 12 những hiện tượng khó ưa như đau đầu, chóng mặt có thể sẽ “ghé thăm” Mẹ. Nguyên nhân chủ yếu cho sự thay đổi hormone, giảm đường huyết, mất nước, mất ngủ hoặc do lo lắng kéo dài. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc đi kèm với những triệu chứng lạ, Mẹ cần báo ngay cho bác sĩ.
Bác sĩ sẽ đo huyết áp và xét nghiệm nước tiểu khi khám thai, nếu mẹ có huyết áp lớn hơn 140/90 mmHg, protein trong nước tiểu 3 (+) kèm triệu chứng phù chân, thì mẹ bầu cần chú ý dấu hiệu của thai độc.
Chuỗi Clip kiến thức Mẹ Bầu cần biết cùng HoMy Mama
Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng
>> [3 tháng giữa] – Sự phát triển theo từng tuần của thai nhi và mẹ bầu
>> [3 tháng cuối] – Sự phát triển theo từng tuần của thai nhi và mẹ bầu
>> Giới thiệu khoa Sản – Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng
>> Gói khám tiền sản (tam cá nguyệt) – Cho một thai kỳ khỏe mạnh
>> Bảng giá chi phí sinh Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng 2020
>> Quy tình sinh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng
Nguồn tham khảo: https://www.hoanmydanang.com/3-thang-dau-thai-ky-be-va-me.html
Trả lời