Trẻ ngủ hay bị giật mình là hiện tượng phổ biến, thường gặp nhất ở các bé sơ sinh. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, ba mẹ cần nắm bắt để có cách cải thiện cho bé. Từ đó, mang đến giấc ngủ ngon cho các bé, tốt cho sự phát triển trí não và thể chất.
25/12/2021 | Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có đáng lo ngại không?
10/06/2020 | Khi trẻ sơ sinh ngủ ít, bố mẹ cần làm gì để khắc phục?
1. Nguyên nhân trẻ ngủ hay bị giật mình
Trẻ ngủ hay bị giật mình có thể là do nguyên nhân sinh lý hoặc nguyên nhân bệnh lý.
Nguyên nhân sinh lý
Trước hết, bé giật mình khi ngủ có thể là do phản xạ tự nhiên. Bình thường, khi còn ở trong bụng mẹ, trẻ được bao bọc, bảo vệ. Khi ra ngoài, trẻ sẽ cảm thấy chống chếnh, chưa quen nên dễ bị giật mình. Đồng thời, tạo ra các phản xạ tự nhiên để bảo vệ cơ thể. Những phản xạ này được đánh giá là bình thường, có thể tự biến mất sau 3 – 6 tháng chào đời.
Đối với các bé lớn hơn, giật mình có thể là do tiếng ồn lớn từ môi trường hoặc do các tình huống bất ngờ. Chẳng hạn như đang ngủ trên tay mẹ thì bị đặt xuống giường. Ngoài ra, khi ngủ, bé có thể “bắt gặp” những hình ảnh đáng sợ thì cũng có thể bị giật mình.
Trẻ giật mình khi ngủ không phải là hiếm gặp, thậm chí rất phổ biến ở các bé sơ sinh
Nguyên nhân bệnh lý
Trẻ ngủ hay bị giật mình không loại trừ do nguyên nhân bệnh lý, bao gồm: Trào ngược dạ dày, viêm họng, viêm tai giữa, thiếu máu, thiếu canxi, bệnh lý thần kinh, suy nhược cơ thể,…
Để biết chính xác nguyên nhân từ đâu, đặc biệt là do bệnh lý nào, ba mẹ nên đưa bé đến bệnh viện. Thông qua kiểm tra và thăm khám, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp.
2. Trẻ ngủ hay bị giật mình có nguy hiểm không?
Mặc dù là một hiện tượng phổ biến và bình thường, tuy nhiên, bé giật mình quá nhiều trong khi ngủ cũng có thể gây ra những tác hại sau:
Chậm phát triển thể chất
Giấc ngủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bé phát triển toàn diện hay không không chỉ phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, mà còn được quyết định bởi giấc ngủ.
Cụ thể, quá trình ngủ, cơ thể (tuyến yên) sẽ tiết ra hormone tăng trưởng. Nếu ngủ ngon và sâu, lượng hormone được tiết ra cao gấp 4 – 5 lần bình thường. Điều này đồng nghĩa, bé bị giật mình, ngủ không liền giấc sẽ có cân nặng và chiều cao kém hơn các bé có được những giấc ngủ ngon và sâu.
Giật mình khi ngủ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí não của bé
Suy giảm khả năng nhận thức
Não bé sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ bị tác động và kích thích bởi các yếu tố môi trường. Nếu bé bị giật mình trong lúc ngủ do tiếng ồn hay các nguyên nhân ngoại cảnh khác thì có thể ảnh hưởng đến não bộ của bé. Khi não bộ bị tổn thương thì có thể làm suy giảm nhận thức, đồng thời, dễ mắc chứng rối loạn cảm xúc.
Trẻ ngủ hay bị giật mình có nguy cơ bị ngưng thở
Nếu bé liên tục giật mình và ngủ không ngon giấc thì sẽ khó chịu và quấy khóc liên tục. Tình trạng này kéo dài có thể gây ức chế hô hấp, khiến bé khó thở hay thậm chí là không thở được, ngưng thở.
Ngoài ra, như đã nói, trẻ giật mình khi ngủ sẽ làm suy giảm lượng hormone tăng trưởng, ức chế hệ thống miễn dịch. Đây là nguyên nhân khiến bé có sức đề kháng yếu kém, dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng, tim mạch, huyết áp, hô hấp.
Trẻ giật mình khi ngủ và quấy khóc, khó dỗ nín có thể ức chế hô hấp và gây nguy hiểm
3. Làm gì để cải thiện tình trạng trẻ ngủ hay bị giật mình?
Để các bé có được giấc ngủ ngon, phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ thì ba mẹ có thể áp dụng các phương pháp sau.
Không ru ngủ trên tay
Nhiều bé bị giật mình khi đang ngủ ngon trong vòng tay mẹ và bị đặt xuống giường. Để tránh tình huống này, mẹ không nên ru ngủ bé trên tay . Thay vào đó, nếu bé có dấu hiệu buồn ngủ hoặc đến giờ đi ngủ, hãy đặt bé lên giường nhẹ nhàng rồi mới bắt đầu ru ngủ.
Quấn khăn cho bé
Đây cũng là cách hạn chế tình trạng trẻ ngủ hay bị giật mình. Hãy quấn hoặc đắp một chiếc khăn mềm, mỏng, nhẹ quanh người bé để bé có cảm giác an toàn, yên tâm, dễ ngủ và ngủ ngon. Lưu ý là không dùng khăn quá dày có thể làm bé nóng. Đặc biệt là tránh quấn quá chặt vì sẽ làm bé ngột ngạt, khó chịu.
Cho bé vận động nhiều hơn
Đối với bé nhỏ, bạn có thể cho bé nằm ngửa, sau đó cầm chân bé rồi làm động tác như đạp xe đạp. Với những bé lớn hơn, hãy cho bé vui chơi bằng những hoạt động giải trí nhẹ nhàng như đọc sách, vẽ tranh, kể chuyện, hát,…
Lưu ý là không cho bé đùa giỡn, nô đùa hay vận động mạnh trước giờ đi ngủ. Việc này khiến cơ thể bé suy nhược, mệt mỏi, ngủ không ngon, đặc biệt là dễ giật mình và quấy khóc trong lúc ngủ.
Để bé ngủ ngon, không bị giật mình, nên tạo cho bé thói quen ngủ đúng giờ trong môi trường yên tĩnh, an toàn
Tạo thói quen đi ngủ đúng giờ
Dù bé nhỏ hay lớn thì hãy tạo thói quen đi ngủ đúng giờ cũng như có sự phân chia giờ giấc ngủ cụ thể cho ngày và đêm. Tránh tình trạng ngủ quá nhiều ban ngày để không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ ban đêm. Hoặc đi ngủ quá khuya, đã qua “giờ vàng” để vào giấc sẽ khiến các bé thao thức, khó ngủ và ngủ không ngon.
Không gian ngủ an toàn, yên tĩnh
Môi trường bên ngoài tác động khá lớn đến chất lượng giấc ngủ. Dù là trẻ nhỏ hay người lớn thì cũng sẽ khó có được giấc ngủ ngon trong một không gian ồn ào, nhiều tiếng động. Vì thế, để cải thiện tình trạng trẻ ngủ hay bị giật mình, hãy tạo môi trường ngủ yên tĩnh. Cùng với đó là không quá tối, khiến bé sợ hãi, bất an; cũng không quá sáng khiến bé khó đi vào giấc.
Hy vọng qua bài viết này, ba mẹ đã có thêm nhiều thông tin hữu ích về hiện tượng trẻ ngủ hay bị giật mình. Nếu lo lắng tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và sự phát triển của bé, ba mẹ có thể đưa bé đến Khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Các bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng, thăm khám, tìm ra nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp.
Mọi nhu cầu khám chữa bệnh hay đặt lịch khám nhanh chóng, vui lòng liên hệ Hotline 1900 56 56 56. Bộ phận chăm sóc khách hàng của Bệnh viện sẽ hướng dẫn và hỗ trợ tận tình, cụ thể.
Nguồn tham khảo: https://medlatec.vn/tin-tuc/nguyen-nhan-va-cach-cai-thien-tinh-trang-tre-ngu-hay-bi-giat-minh-s75-n26749
Để lại một bình luận