Lượt xem:
Phân tích khổ ba bài “Đây thôn Vĩ Dạ “
Bài làm
Hàn Mặc Tử là một nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào thơ mới, là “một cây nấm lạ trên gia hệ của văn mạch dân tộc” ( Đỗ Lai Thúy). Cái “lạ” ấy được Hàn Mặc Tử kết lên bởi những vần thơ kỳ dị mà điên cuồng, ngập tràn ý tượng và tình yêu đến khắc khoải, những khát khao về trần thế của một cuộc đời bất hạnh. Đây Thôn Vĩ Dạ là bài như thế. Đặc biệt ở khổ thơ thứ ba, ta bắt gặp những vần thơ đượm sắc buồn về tình đời, tình người cùng cái ảo diệu trong thơ Hàn.
Đến với khổ thơ thứ ba, Hàn Mặc Tử đã thoát li hiện thực đau thương để trở về với cõi mộng tìm chút bình yên cho tâm hồn, tìm đến cõi hư vô, huyền ảo thực giả lẫn lộn. Trong cõi “mơ” vô thức ấy, thi nhân đắm chìm những hoài niệm về người thôn Vĩ với bao nỗi khát khao chờ mong riêng mình.
“ Mơ khách đường xa, khách đường xa”
“Khách đường xa” chính là nguời tình xa mà nhà thơ đã nhắc đến ở khổ thơ đầu với nét đẹp “lá trúc che ngang mặt chữ điền” thuần hậu, kín đáo. Nhưng giờ đây nó hiện lên với vẻ xa xăm mờ nhạt. Từ “mơ” đã gợi lên nỗi chơi vơi, mông lung của thi nhân tuy đã hoàn toàn đắm chìm trong mộng tưởng nhưng ẩn sâu bên trong là một khát khao đầy thành thực. Quả thực, khách đã xa vời mà giờ đây khách đường xa lại càng xa xôi diệu vời hơn mà gắn với nó lại là từ “mơ” nên lại càng hư ảo. Có phải chăng những hình bóng ấy dù có đẹp nhưng nó vẫn thuộc về thế giới bên ngoài kia, của quá khứ và với thi nhân nó chỉ hiện hữu bằng một giấc mộng dài mà thôi. Vì vậy, khiến cho thi nhân nặng nỗi ngóng trông, khát khao một lần được gặp nguời trong mộng trước khi từ giã cuộc đời nhưng có lẽ càng mong ngóng giấc mơ lại càng xa vời hơn, đuổi không kịp, với không tới, ánh mắt ta cũng nhìn không thấu bởi:
“ Áo em trắng quá nhìn không ra”
Câu thơ như cụ thể hóa hình bóng của giai nhân khách đường xa. Những mộng tưởng về em giờ chỉ còn đọng lại với sắc áo trắng tinh khôi, thánh thiện “nhìn không ra”, lẫn khuất trong cái bàng bạc của sương khói khiến thị giác khó có thể nắm chặt. Từ “quá” bật lên với sự choáng ngợp, nghẹn ngào, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp giai nhân của tác giả, vừa cực tả sắc áo, vừa gợi lên vẻ xa vời khó nắm bắt như thực lại như mơ, vừa thân thiết gần gũi lại vừa khuất lấp xa vời. Khơi lên những vô định và hụt hẫng, chính thức đánh dấu sự bất lực và tuyệt vọng của tác giả trong quá trình níu kéo cõi đời, hơi ấm tình người. Để rồi từ cõi mộng đẹp, chủ thể trở về thực tại đầy buồn đau của mình:
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”
Cả không gian và thời gian nơi đây đều mờ mờ ảo ảo, chỉ có sương khói và nhân ảnh xa xôi bao trùm, vây kín thi nhân. “ Ở đây” có thể là không gian hiện thực nơi xứ Huế buổi sáng sớm vẫn còn thấm đẫm làn sương hoặc cũng có thể chính là sương khói tâm tưởng mà tác giả chìm đắm trong những nỗi đau, nỗi tuyệt vọng. Từ Hán Việt “nhân ảnh” với sắc thái trang nhã tạo bầu không khí cổ xưa như càng làm cho bức tranh sương khói ấy thêm trầm mặc, thêm bí ẩn, cái trầm mặc bí ẩn của thời gian vô thủy vô chung. Đây là một bức tranh đầy ám ảnh, một cõi mơ đầy đau thương, của cõi thơ điên đập vào tâm trí người đọc là sự lạnh giá, cô đơn, vương vấn nỗi sầu day dứt. Để đến cuối, những bâng khuâng day dứt ấy tác giả lại bật thốt lên đan xen nỗi hoài nghi đến tuyệt vọng với câu hỏi:
“Ai biết tình ai có đậm đà?”
Trước nỗi đau thể xác và linh hồn tan rã, những vần thơ cất lên vô thức như những hồi kí của đau thương với câu hỏi tu từ không lời giải đáp. Đại từ phiếm chỉ “ai” cất lên như nỗi xa vắng, hụt hẫng. Câu hỏi ấy ẩn chứa những bất an, sự hoài nghi về tình cảm nguời con gái xứ Huế dành cho mình rằng ai là ai? Là em không biết tình anh đậm đà? Hay là liệu tình em có đậm đà với anh hay mờ ảo dễ tan như làn suơng? Cảm xúc cứ day dứt, cứ xoay vòng, xoáy sâu như một cơn lốc, đầy băn khoăn, trăn trở, nhưng thực ra lại chính là những khao khát sống, những yêu thương, gắn bó với cuộc đời của một con người ở vực thẳm của sự tuyệt vọng.
Cả khổ thơ khép lại với nỗi buồn day dứt cùng sự hoài nghi, tha thiết của một tâm khồn khao khát sống, khao khát tình nguời mãnh liệt dẫu cuộc đời ông chỉ có những cơn đau dày vò từ bệnh tật, vô vọng đau khổ. Song tác giải đã thành công với việc xây dựng hình ảnh thơ kỳ dị, mang đậm phong cách siêu thực tượng trưng, mang đến cho người đọc nhiều tầng cảm xúc, những ấn tượng sâu sắc về một hồn thơ kỳ dị, điên cuồng và đau thương nhất trong nền thơ Mới của dân tộc.
Nguồn tham khảo: http://c3krongana.daklak.edu.vn/ai-biet-tinh-ai-co-dam-da-hs-nguyen-thi-thuong-11a2-nam-hoc-2019-2020.html
Để lại một bình luận