(BGĐT) – Nhà thơ Tố Hữu – ngọn cờ thơ ca cách mạng nước ta – xúc động thốt lên: Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người.
Bác Hồ tặng quà cho các cụ già dân tộc thiểu số sống gần khu mỏ Apatit, Lào Cai (năm 1958). Ảnh tư liệu |
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bác Hồ kính yêu – là con người vĩ đại. Điều ấy là hiển nhiên. Không phải dân tộc ta, bè bạn ta, nhân dân thế giới tôn kính mà ngay cả kẻ thù cũng phải nể phục. Đó là điều không dễ có với nhiều vị lãnh tụ trên thế giới khi mà hệ tư tưởng còn khác biệt. Chính một học giả Mỹ – ông Archer – đã viết trong cuốn Hồ Chí Minh: “Cộng sản hay không, ông Hồ Chí Minh cũng sẽ đi vào lịch sử như là một người Việt Nam yêu nước vĩ đại, là một trong những khuôn mặt phi thường của thế giới trong thế kỷ này”.
Cũng ở nước Mỹ, bà Xe lia xtraoxo ở thành phố Niuooc leang, thổ lộ: “Cụ Hồ Chí Minh là một lãnh tụ vĩ đại. Một lãnh tụ phẩm chất như Người chỉ xuất hiện một lần trong thế kỷ”. Báo Tiến lên của nước Xrilanca khẳng định: “Hồ Chí Minh đã làm nên lịch sử hiện đại, là một trong những nhân vật cao quý nhất, đáng kính nhất của thời đại chúng ta.”
Kể sao hết sự vĩ đại của Bác, chỉ xin nêu đôi nét sự nhân văn, về tình yêu bao la con người – những con người mà Bác trong Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 đã nhắc lại từ Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
“Chúng ta làm cách mạng để làm gì? Là để giải phóng dân tộc, là để cho nhân dân ấm no, hạnh phúc, để các cháu bé con em chúng ta như cháu này đều được ăn no, mặc ấm và được đi học…” – Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Nung nấu về tự do, bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc cho dân, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước, chống lại ách cai trị của lũ thực dân, đế quốc. Chỉ có giải phóng dân tộc, giải phóng áp bức, giành chính quyền về tay nhân dân mới thực sự có bình đẳng, tự do. Đây mới là minh chứng về nhân văn cao cả, về tình thương vô bờ. Cũng hiếm có một nhà cách mạng nào trên thế giới có cuộc hành trình cứu nước rộng dài gian nan, thử thách như Bác. Người đã dành hơn nửa cuộc đời, vượt qua 3 đại dương, đến 4 châu lục, 28 nước, bôn ba ròng rã trên một đoạn đường ước tính 20 vạn km. Chính cuộc hành trình ấy với bao điều mắt thấy tai nghe càng thôi thúc Bác thực hiện mưu cầu hạnh phúc nhân dân.
Lúc Quốc dân đại hội Tân Trào bế mạc (17-8-1945), Bác đã nói với toàn thể đại biểu khi tiếp đoàn đại biểu xã Tân Trào gồm nhiều người trong đó có một em bé đi theo mẹ mặc chiếc áo rách và bụng để trần: “Chúng ta trong Ủy ban dân tộc giải phóng và tất cả các đại biểu cách mạng hãy nhớ lấy lời thề và hãy xem em bé này… Cháu phải đi chăn trâu, chặt củi, cõng nước mà không có áo mặc để hở bụng xanh xao. Chúng ta làm cách mạng để làm gì? Là để giải phóng dân tộc, là để cho nhân dân ấm no, hạnh phúc, để các cháu bé con em chúng ta như cháu này đều được ăn no, mặc ấm và được đi học…” Những câu cuối của Bác rất mệt nhọc, bị ngắt ra từng tiếng bởi sau trận ốm kéo dài. Tất cả đại biểu đều lặng đi trước những lời thống thiết của Bác. Nhiều người đã không cầm nổi nước mắt.
Chúng ta đều biết, ngay sau ngày độc lập (2-9-1945), Bác đã họp Hội đồng Chính phủ để đề ra những nhiệm vụ cấp bách. Nhiệm vụ hàng đầu không phải là công tác tổ chức, là “kỹ thuật hành chính” như một số nghị sĩ phỏng đoán mà là chống giặc đói. Lo cho dân là việc trước tiên, là việc tối thượng. Người đề nghị Chính phủ phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi thu hoạch nông sản phải mở cuộc lạc quyên: “10 ngày 1 lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”.
Bức thư Bác gửi đồng bào cả nước làm xúc động hàng triệu người dân: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước. Cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo”. Bác nói là làm. Bữa nào vào đúng ngày nhịn mà phải ăn tiếp khách, Bác nhịn bữa sau. Đồng cam cộng khổ với nhân dân là đức tính của Người. Nhà thơ Cu Ba P.Rôđơrighết trong một bài thơ viết về Bác đã rất chí lý khi giãi bày:
Bởi vì Người đã đói mọi cơn đói ngày xưa
Vì Người đã chết hai triệu lần năm đói 45 khủng khiếp
Bởi vì Người đã mặc lên mọi tấm áo xác xơ
Đã đi chân đất với mỗi đôi chân trần của người dân đất nước
Bởi vì Người đã chứa chất nỗi tủi nhục của mọi người cùng cực…
Bác khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Ngay cả với những tên lính thực dân, Bác cũng có thái độ nghiêm khắc và khoan dung rõ ràng. Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, Bác viết: “Đối với người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cho cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ cho khoan hồng, phải làm cho thế giới, trước hết cho dân Pháp, biết rằng: Chúng ta là quang minh chính đại”.
Trong chiến dịch Biên giới 1950, Bác đến gặp mấy tù binh Pháp. Bác nhìn thấy một tên co ro vì giá rét đã cởi áo khoác của mình cho nó. Gã tù binh ngơ ngác và cảm động vì việc làm ấy. Có lẽ cho đến khi trở về nước Pháp, gã cũng không hề biết ông già ốm yếu có đôi mắt quắc thước, giọng nói hiền hậu cho áo chính là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Cả cuộc đời Bác chỉ lo cho nước cho dân, chẳng dành cho mình một đặc quyền, đặc lợi nào. Cũng vì vậy, Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. “Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết. Phải làm cho dân mến…” Ham muốn tột bậc của Bác là: “Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Bác dành tất cả tình thương yêu cho mọi người – từ trẻ thơ đến cụ già, từ miền ngược tới miền xuôi, từ đồng bào mình tới những người cùng khổ trên thế giới. Và điều ấy đã lý giải vì sao Bác không phải chỉ ở trong trái tim nhân dân ta mà còn trong trái tim nhân loại, là Nhà Văn hóa kiệt xuất “Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ”. Một nhà thơ nước ngoài đã viết vậy.
Bác kính yêu như ánh nắng, khí trời, sống mãi với non sông đất nước…
Đỗ Nhật Minh
Nguồn tham khảo: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/143586/bac-oi-tim-bac-menh-mong-the-.html
Trả lời