Mỗi độ Tết đến, bàn thờ tổ tiên được bài trí ở không gian trung tâm nhất của ngôi nhà để con cháu có thể quây quần, hướng đến, tưởng nhớ ông bà, những người thân đã khuất, như một cách để họp mặt, giao tiếp giữa cõi âm với cõi dương.
Thông thường, người miền Nam từ ngày 27 đến 29 hoặc 30 tháng Chạp sẽ bắt đầu việc quét dọn bàn thờ, thay tro bát nhang, đốt nhang cũ… Đây là lúc người miền Nam bắt đầu bài trí bàn thờ cho dịp Tết cổ truyền.
Loại hoa để bài trí bàn thờ, người miền Nam cũng có rất nhiều loại như: Cúc, huệ, lay ơn…, nhưng thông thường người ta chọn hoa cúc và hoa huệ.
Đối với người miền Nam, người dân rất chú trọng về các loại quả trưng bày trên bàn thờ. Mỗi loại quả đều có ý nghĩa nhất định.
Ví dụ như: cầu – dừa – đu đủ – xoài – quả sung, với ý nghĩa trong năm mới, gia đình sẽ phát triển hơn, sức khỏe, tiền bạc được thịnh vượng chẳng lo ăn mặc.
Ý nghĩa đối với các loại hoa quả được bày biện trên bàn thờ được người dân miền Nam quan niệm: Quả sung (tượng trưng cho sự sung túc, ấm no), quả đu đủ (tượng trưng cho sự đủ đầy), quả dứa (hay còn gọi là quả thơm, tượng trưng cho sự thơm tho, sạch sẽ), quả dưa hấu (tượng trưng cho sự may mắn, cả năm làm gì cũng đỏ).
Hoặc mâm ngũ quả có thể thay đổi, như quả dừa (ý là vừa đủ), quả mãng cầu (cầu gì được nấy), quả xoài (ý là có tiền xài quanh năm), quả phật thủ như bàn tay che chở của đức Phật…
Trên bàn thờ của người miền Nam vào dịp Tết, thường hay có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, nem, chả giò…
Người miền Nam cũng kiên kỵ những loại trái cây khi trưng trên bàn thờ vào dịp Tết như: Chuối (quan niệm là chúi nhủi, làm ăn không phất lên được); lê (lê lết, đổ bể, dễ thất bại); hoặc quả cam, quýt (quýt làm cam chịu).
Nguồn tham khảo: https://laodong.vn/xa-hoi/bai-tri-ban-tho-ngay-tet-cua-nguoi-mien-nam-655296.ldo
Để lại một bình luận