Thời điểm ăn dặm là một bước ngoặt vô cùng quan trọng đối với bất cứ một đứa trẻ nào, không chỉ giúp bé bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết mà còn giúp bé có thể hình thành cho bé thói quen và kĩ năng ăn uống sau này nữa. Hiện này rất phổ biến các phương pháp ăn dặm như ăn dặm kiểu truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm BLW, mẹ áp dụng kiểu nào cho con cũng được tuy nhiên trước đó cần trang bị các kiến thức căn bản về ăn dặm là gì để đồng hành với con trong giai đoạn này nhé!
Ăn dặm là gì?
Ăn dặm là bước chuyển lớn từ chế độ ăn hoàn toàn từ sữa mẹ hoặc sữa công thức (chế độ ăn dạng lỏng) sang chế độ có thức ăn dạng sệt, tới dạng lợn cợn và cuối cùng là dạng miếng.
Khi nào bắt đầu cho trẻ ăn dặm? Thông thường các bé có thể bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng cho tới 1 tuổi. Khi bé được 4 đến 6 tháng tuổi, bé bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mà sữa mẹ không thể đáp ứng đủ hoàn toàn các chất dinh dưỡng cần thiết, chính vì thế lúc này bé cần bổ sung thêm các thức ăn khác như bột ăn dặm, cháo, rau, hoa quả.. (dặm có nghĩa là thêm vào bên cạnh sữa mẹ cho bé).
Những điều cần chú ý khi cho con ăn dặm
Không cho bé ăn dặm trước 4 tháng tuổi
Khi bé được 4 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của bé cùng đã dần hoàn thiện hơn, dạ dày đã có thể tiết ra enzym amylase có chức năng tiêu hóa tinh bột. Tuy nhiên theo các chuyên gia thì bé nên bú sữa hoàn toàn trong 6 tháng đầu và thời điểm thích hợp nhất cho trẻ ăn dặm là 6 tháng tuổi.
Cho con ăn dặm theo từng giai đoạn
Giai đoạn đầu (4-6 tháng tuổi):
Đây là giai đoạn bắt đầu cho bé tập làm quen với việc ăn dặm, mục tiêu là để bé nuốt được thức ăn tới họng bằng lưỡi. Vậy, nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm như thế nào? Mẹ nên nấu các thức ăn dạng lỏng dễ nuốt không cần nhai như cháo nghiền, cháo rây, nghiền xay nhuyễn và nấu chín loại rau như khoai tây, khoai lang, cà rốt…Lúc này dạ dày của bé còn non, chưa nên cho con ăn đạm là thịt cá vội mà bắt đầu với đậu phụ non để đảm bảo an toàn.
Các tuần tiếp theo bạn có thể cho ăn kèm các loại rau củ mềm dễ tiêu hóa như rau mồng tơi. Giai đoạn này bé mới làm quen với ăn dặm, tuyệt đối không được ép con nếu con chưa hợp tác mẹ nhé!
Giai đoạn 2 ( 6-8 tháng tuổi):
Lúc này lưỡi của bé bắt đầu linh hoạt hơn, lưỡi và cằm cùng lợi bắt đầu học cách nghiền thức ăn. Mẹ có thể cho bé ăn các thực phẩm nghiền nát như đậu phụ, thịt bằm, tôm và thực phẩm bé có thể tự cầm bằng tay như trái cây, rau củ, bánh mì, nui…
Giai đoạn 3 ( 9-11 tháng tuổi):
Lúc này hoạt động của lưỡi đã linh hoạt hơn và bé có thể nghiền thức ăn bằng lợi. Độ cứng của thức ăn lúc này như quả chuối. Mẹ có thể cho bé ăn cháo không rây, trứng gà. Lúc này bé cũng có hành vi đưa tay với thức ăn, cách cầm nắm cũng thành thục hơn.
Giai đoạn 4 (12 – 18 tháng tuổi):
Ở giai đoạn này con có thể đã cai sữa do đó các bữa ăn có thể chia làm 3 bữa chính và có các bữa phụ đi kèm. Mẹ nên cho con ăn thực phẩm thô cùng gia đình, đi kèm với các bữa phụ kèm uống sữa, sữa chua vv.
Cho bé ăn đầy đủ các nhóm dinh dưỡng
Khi cho con ăn dặm, mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cho bé
– Nhóm đạm: nguồn động vật như thịt, cá, trứng, sữa, tôm tép, lươn…; nguồn thực vật như đậu nành, các sản phẩm chế biến từ đậu nành và các loại đậu đỗ khác.
– Nhóm béo: dầu, mỡ, bơ, hạt có dầu.
– Nhóm bột đường: gạo tẻ-nếp, bột mì, bánh mì, mì, nui, bún, phở, hủ tiếu, khoai, bắp.
– Nhóm vitamin và chất khoáng: rau củ, trái cây các loại
Không thêm muối, gia vị vào thức ăn của bé
Các mẹ có suy nghĩ rằng nêm chút mắm, muối vào đồ ăn dặm sẽ khiến món ăn đậm đà hơn và kích thích vị giác của trẻ thì mẹ đang mắc sai lầm lớn. Các chuyên gia hàng đầu về sức khỏe trẻ em vẫn luôn khuyến cáo các bà mẹ không nên cho con ăn muối, nước mắm vì chức năng thận của trẻ vẫn còn yếu. Khi mẹ nêm mắm muối vào đồ ăn của con sẽ khiến thận của bé phải làm việc quá sức.
Theo dõi phản ứng sau ăn và “sản phẩm đầu ra”
Khi bắt đầu cho bé tập ăn một loại thức ăn nào mới, mẹ cần quan sát thái độ của con cũng như quan sát “sản phẩm đầu ra” của bé ngày hôm đó để xem bé có bị dị ứng với nhóm thực phẩm nào không.
=>> Xem thêm: Bé Tập Ăn Dặm, Nên Cho Bé Ăn Cháo Hay Ăn Bột?
Kiên nhẫn! Muốn nhanh thì phải từ từ!
Khi bắt đầu cho con ăn dặm có thể con sẽ bất hợp tác hoặc nghịch ngợm, nhưng ba mẹ không nên quá lo lắng hay căng thẳng, cần xác định cho con ăn dặm là để tập cho con các kĩ năng ăn uống (cầm, nắm, nuốt) và nhận biết mùi vị của thức ăn, khi cho con ăn mẹ có thể theo dõi thái độ của bé để nhận ra bé thích hay không thích thực phẩm nào.
Ngoài ra mẹ cũng không nên ép bé ăn, có thể bé từ chối món ăn do chưa quen mới mùi vị của thức ăn đó, chính vì thế cần bố mẹ phải kiên nhẫn thử lại nhiều lần. Nếu ép bé sẽ hình thành tâm lý sợ hãi khi nhìn thấy đồ ăn, việc cho bé ăn dặm lại càng trở nên khó khăn hơn đấy nhé!
Các phương pháp ăn dặm phổ biến hiện nay
Hiện nay ở có 3 phương pháp ăn dặm phổ biến thường được các mẹ Việt lựa chọn và áp dụng cho bé yêu nhà mình đó là: phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, phương pháp ăn dặm BLW (ăn dặm bé chỉ huy) và phương pháp ăn dặm truyền thống
Phương pháp ăn dặm truyền thống
Ăn dặm theo phương pháp truyền thống đã không còn quá xa lạ với các mẹ Việt Nam. Để làm bột ăn dặm cho bé, các mẹ sẽ xay bột chung với các loại thức ăn như thịt, rau, cá. Phương pháp ăn dặm cho bé từ 6 tháng trở lên. Khi trẻ đã mọc răng sẽ ăn cháo cùng với thức ăn được xay nhuyễn.
Ưu điểm:
- Nếu mẹ áp dụng phương pháp ăn dặm truyền thống bé có thể ăn số lượng nhiều ngay từ những ngày đầu nên dễ tăng cân tốt.
- Đồ ăn được xay nhuyễn an toàn cho hệ tiêu hóa.
- Vì là phương pháp truyền thống nên dễ nhận được sự ủng hộ của gia đình.
Nhược điểm:
- Trẻ ăn nhiều thức ăn xay nhuyễn có thể ảnh hưởng đến khả năng ăn thô sau này.
- Xay nhiều thức ăn chung với nhau nên khi trẻ bị dị ứng mẹ khó phát hiện bé dị ứng với đồ ăn nào.
- Nhiều thực phẩm xay nhuyễn nên khiến bé gặp khó khăn khi phân biệt từng loại nguyên liệu.
Cho bé ăn dặm theo phương pháp tự bé chỉ huy
Đây là phương pháp được các nước phương Tây áp dụng nhiều. Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy hay còn gọi là phương pháp ăn dặm BLW cho bé này các mẹ thường không xay nhuyễn thức ăn và không đút thìa mà để bé tự ăn. Mẹ sẽ chỉ ngồi hướng dẫn bé đưa thức ăn vào miệng, việc còn lại là của bé.
Ưu điểm:
- Bé có thể phát triển được kỹ năng nhai và kiểm soát thức ăn.
- Bé được chủ động “nắm quyền” kiểm soát thức ăn, nhờ đó được tự do khám phá các mùi vị mình thích.
- Bé có thể dễ dàng tham gia cùng mọi người trong gia đình khi đến bữa ăn.
Nhược điểm:
- Bé tự ăn nên lượng thức ăn đưa vào cơ thể không được kiểm soát, dễ bị sụt cân, chững cân.
- Vì ngay từ khi bắt đầu bé đã ăn đồ cứng nên nguy cơ bị hóc cao.
- Mẹ tốn thời gian dọn dẹp “chiến trường” sau khi bé ăn xong.
Cho bé ăn theo phương pháp của Nhật
Ăn dặm cho bé theo phương pháp của Nhật là pha cháo loãng qua rây tới tỷ lệ 1:10 chứ không quấy thành bột. Các loại rau, thịt cũng được chế biến riêng với độ thô phù hợp.
Ưu điểm:
- Bé làm quen được với các loại thức ăn khác nhau, giúp cho khả năng nhận diện mùi vị thức ăn phát triển.
- Ăn theo phương pháp này tốt cho thận của trẻ.
- Bé không bị gò ép, tạo cảm giác thoải mái khi ăn đồng thời tạo được thói quen ngồi ăn nhanh và tập trung.
Nhược điểm:
- Các mẹ sẽ rất tốn thời gian trong việc dạy cho bé ngồi và cầm thìa.
- Chế biến các loại thức ăn riêng biệt cũng rất tốn thời gian.
Trên đây là những thông tin chi tiết nhất giúp mẹ tìm hiểu về ăn dặm là gì? Khi nào bắt đầu cho trẻ ăn dặm và các phương pháp cho trẻ ăn dặm phổ biến nhất hiện nay mẹ có thể tham khảo. Hy vọng sẽ giúp ích cho mẹ trong quá trình ăn dặm của con.
Nguồn tham khảo: https://www.kidsplaza.vn/blog/an-dam-la-gi-kien-thuc-bat-dau-hanh-trinh-cho-con-an-dam.html
Để lại một bình luận