Hôm nay, Lambanh365.com sẽ chia sẻ với các bạn cách làm bánh trung thu tuyết vị trà xanh nhé! Bánh Snow skin hay còn gọi là Bánh dẻo tuyết. Đây là một trong những công thức biến tấu độc đáo và thú vị từ công thức làm bánh dẻo truyền thống. Cách làm bánh dẻo này rất nhanh và đơn giản vì thế ta có thể gọi vui là ”Bánh dẻo tốc hành”. Vị của bánh dẻo tuyết không hề ngọt lừ như bánh dẻo truyền thống bởi vì nó không cần sử dụng đến nước đường. Bánh lại được bảo quản lạnh, ăn lạnh nên vị bánh lại càng trở nên nhẹ nhàng và thanh mát hơn.
Nguyên liệu làm bánh trung thu tuyết vị trà xanh
1. Nguyên liệu làm phần vỏ bánh trung thu vị trà xanh
– 160 gram bột làm bánh dẻo, rây mịn (bạn có thể dùng bột mua sẵn hoặc xay nhuyễn gạo nếp loại ngon)
– 140 gram icing sugar (đường xay, đường tuyết, đường bột)
– 50 gram shortening (chất béo dạng rắn được sản xuất từ dầu thực vật, có bán sẵn tại các siêu thị)
– 180 ml sữa tươi có đường, để lạnh
– 3 – 5 gram bột trà xanh nguyên chất, rây mịn
2. Nguyên liệu làm phần nhân bánh trung thu tuyết vị trà xanh
– 200 gram đậu xanh đã xát vỏ
– 100 – 110 gram đường cát trắng
– 80 – 90 gram dầu thực vật
– 1 tbsp (1 thìa canh – 15 gram) mạch nha
– 30 gram bột nếp làm bánh dẻo, rây mịn
– 8 gram bột trà xanh nguyên chất, rây mịn
Những dụng cụ cần dùng để làm bánh trung thu tuyết vị trà xanh
– Khuôn làm bánh trung thu ( chọn những mẫu khuôn mà bạn thích hoặc ở nhà có để tạo hình cho bánh trung thu được đẹp hơn)
– Nồi đun
– Chảo chống dính
– Máy xay sinh tố
– Đũa cả
– Thìa
– Bát tô sạch
Các bước làm bánh trung thu tuyết vị trà xanh
1. Cách làm phần nhân bánh trung thu tuyết vị trà xanh
Bước 1: Đậu xanh vo sạch, ngâm ngập nước trước ít nhất 4 tiếng hoăc qua đêm cho đậu nở. Đậu ngâm đủ nước thì khi sên nhân bánh trung thu sẽ không sợ tình trạng đậu bị khô, vón cục hay rời rạc. Khi ngâm đậu các bạn cho thêm vào 1 chút muối tinh
Lưu ý: Ngâm đậu với muối ngay từ đầu thì sau khi ngâm đậu sẽ đỡ bị chua bánh, đậu khi sên có màu vàng đẹp hơn và có vị ngọt đậm đà khi sên nhân làm cho bánh trung thu sẽ ngon hơn.
Bước 2: Qua 1 đêm đổ đậu vào rổ để bỏ nước sau đó vo lại qua nước sạch 2 – 3 lần. Đậu sau khi ngâm và chắt bỏ nước hoàn toàn sẽ nặng hơn 400 gram.
Bước 3: Cho đậu vào nồi to, có đáy sâu và dày. Đổ vào đó 1 lit nước lạnh (hoặc bạn áng chừng sao cho lượng nước gấp 2 – 3 lần lượng đậu). Mở nắp, nấu đậu ở lửa vừa đến khi đậu sôi và xuất hiện bọt thì hớt sạch hết bọt này trong quá trinhd đun đậu. Cứ 5 – 7 phút cần khuấy 1 lần, tránh để đậu cháy ở đáy nồi, bị khê.
Lưu ý: Nước có thể bị cạn nhanh nên cần theo dõi mực nước để thêm nước vào, sao cho nước luôn ngập đậu tránh để nhân bánh trung thu bị khê.
Bước 4: Để lửa nhỏ cho đậu sôi liu riu đến khi bở tơi như cháo đậu xanh thì dùng đũa cả hoặc thìa quấy mạnh, miết cho đậu nát ra rồi tắt bếp.
Bước 5: Để đậu nguội hoặc còn ấm thì cho vào máy xanh sinh tố, đổ thêm 200 ml nước lọc để nguội vào rồi xay cho nhuyễn mịn, thành chè đậu xanh loãng . Lọc đậu đã xay loãng 1 lượt qua rây sẽ giúp nhân bánh trung thu mịn hơn.
Bước 6:
– Cho phần đầu xanh đã xay mịn vào chảo chống dính sâu lòng bắc lên bếp và đun ở lửa vừa.
Lưu ý: Ở bước này chỉ đun lửa nhỏ hoặc vừa tránh để lửa to làm nhân bánh trung thu bị khô hoặc cháy
– Khuấy ngay từ lúc bắt đầu đun, không chờ đến khi đậu sánh lại mới khuấy vì đậu có bột, không khuấy ngay đậu sẽ vón cục và khê dưới đáy chảo. Trong quá trình nấu nếu thấy có nhiều bọt thì vớt đi nhé.
Lưu ý: Ở bước này không cho đường hay dầu ăn vì sẽ rất bắn.
– Sau 10 phút, đậu rút nước phần đậu sệt hơn như quấy bột trẻ em thì các bạn cho hết lượng đường và 1/4 số dầu vào, khuấy đều cho đường và dầu tan vào đậu.
– Sên nhẹ nhàng thêm 10 phút nữa thì đậu sẽ khô dầu, cho 1/4 dầu ăn vào, để lửa nhỏ nhất, sên đều tay.
– Sau 8 phút tiếp các bạn cho 1/4 dầu ăn và mạch nha vào. Lúc này đậu đã bắt đầu nặng tay chứ không còn lỏng nên phải sên kỹ, tránh bị cháy.
Bước 7:
– Nhân trà xanh hoặc có thể thêm 1 chút lá dứa nếu thích nhân có mùi thơm của lá dứa, khuấy tan và cho vào chảo đậu đang sên.
– Sau khi hỗn hợp rút nước, mịn như ý thì cho nốt phần dầu ăn cuối cùng còn lại vào, sên đến khi đậu hoàn toàn mịn, mềm, kết dính. Và thử đậu không còn dính tay nữa là được.
– Để chảo trên bếp và rắc 10 gram bột bánh dẻo vào từ từ, vừa rắc vừa đảo cho bột thấm vào đậu hoàn toàn. Kiểm tra xem nhân bánh trung thu đã vo tròn được chưa, nếu nhân vẫn giữ nguyên hình dáng, không bị mềm nhão là được. Nếu bột vẫn nhão thì cho thêm từng ít bột nếp vào thấy nhân vừa là được.
– Đậu sên xong để nghỉ 20p cho nguội bớt rồi dùng tay nhồi vài lần cho bột dẻo. Sau đó bọc kín và bảo quản trong tủ lạnh. Nhân bánh trung thu bảo quản trong ngăn mát được khoảng 5 ngày, còn ngăn đá được 2 – 3 tháng nhé. Cái này rất tiện nếu như bạn làm quá nhiều nhân bánh trung thu mà lại không sử dụng hết, bạn có thể bảo quản dễ dàng ở trong tủ lạnh
2. Cách làm phần vỏ bánh trung thu tuyết vị trà xanh
Bước 1: Rây bột bánh dẻo, đường bột và bột trà xanh cho thật mịn vào một chiếc bát tô sạch. Cho shortening vào rồi dùng tay bóp nhuyễn hỗn hợp đến khi thấy bột rời rạc.
Bước 2: Cho bột từ từ vào sữa lạnh, vừa cho vừa dùng phới lồng nhẹ nhàng trộn đều đến khi bột đồng nhất và bột sẽ đặc lại. Lúc này các bạn dùng tay nhồi cho bột khi thấy bột mịn mặt là được. Để bột nghỉ 30 phút trong ngăn mát tủ lạnh trước khi đem nặn bánh.
Bước 3: Nặn bánh: Chia vỏ bánh thành từng phần nhỏ, cán mỏng và đặt nhân vào trong, gói chặt tay cho vỏ bánh trung thu phải bọc kín phần nhân, tránh tình trạng học không kin hở nhân khi cho bánh vào sẽ mất thẩm mĩ. Rắc 1 ít bột bánh dẻo vào khuôn rồi đặt viên bánh vào, ấn chặt tay để tạo hoa văn cho mặt bánh. Lấy bánh ra khỏi khuôn, để bánh vào ngăn mát tủ lạnh trước ít nhất 1 giờ trước khi sử dụng.
Lưu ý:
– Tỷ lệ giữa vỏ bánh và nhân bánh là 4 phần bỏ và 6 phần nhân.
– Bánh trung thu vị tuyết trà xanh nói chung và bánh dẻo tuyết trà xanh nói riêng luôn cần được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Khi bỏ ra ngoài tủ lạnh không nên bọc kín( bánh ra mồ hôi sẽ chảy nước rất nhanh).
– Cũng chỉ nên để bánh ở bên ngoài khoảng 1 – 2 tiếng vì ở nhiệt độ nóng, bánh sẽ rất nhanh hỏng và bị mốc. Bánh trung thu trà xanh nên dùng trong 4 ngày, tính cả ngày làm bánh. Nếu muốn để lâu hơn các bạn có thể để bánh trong ngăn đá, khi nào dùng thì cho bánh xuống ngăn mát để bánh tự rã đông trong tủ lạnh.
Lambanh365.com chúc các bạn thành công với cách làm bánh trung thu tuyết vị trà xanh!
Tags: Bánh dẻo tuyết
bánh trung thu
bánh trung thu đậu xanh
làm bánh trung thu
Nguồn tham khảo: http://lambanh365.com/cach-lam/cach-lam-banh-trung-thu-tuyet-vi-tra-xanh/
Để lại một bình luận