Bánh đúc là món ăn vặt dân dã của người miền Trung. Món bánh này được làm từ bột gạo, trên bánh có rắc tôm khô kèm mỡ hành và được ăn kèm với nộm chua. Những nguyên này tuy đơn giản nhưng khi kết hợp với nhau trong món bánh đúc tạo nên hương vị khó quên, gắn liền với ký ức tuổi thơ. Cách làm bánh đúc miền Trung không hề khó, bạn có thể thực hiện thành công ngay chính căn bếp gia đình.
Công thức truyền thống làm bánh đúc miền Trung
Bánh đúc miền Trung đậm vị, mặn mà với phần nhân tôm phủ phía trên. Để thực hiện món bánh này bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu sau đây:
- Bột gạo: 255g;
- Bột năng: 140g;
- Muối: 1 muỗng cafe;
- Đường: 1 muỗng canh;
- Nước cốt dừa: 400ml;
- Nước lọc: 1 lít;
- Dầu ăn: 3 muỗng canh dầu ăn;
- Tôm khô: 200g;
- Hành lá: 3 tép;
- Cà rốt: 1 củ;
- Chanh, tỏi, ớt, dấm;
Hướng dẫn thực hiện
Mặc dù khá cầu kỳ trong công đoạn sơ chế nguyên liệu nhưng nhìn chung cách làm bánh đúc miền Trung cũng không quá khó. Bạn có thể thực hiện theo hướng dẫn chi tiết dưới đây:
Sơ chế nguyên liệu
- Thêm 255g bột gạo, 140g bột năng và trộn đều. Sau đó thêm nước và ngâm bột trong thời gian khoảng 30 phút.
- Tôm khô rửa sạch, ngâm với nước nóng khoảng 10 – 15 phút cho nở. Sau đó vớt ra và để ráo.
- Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ và bào sợi. Thêm 3 thìa canh dấm, 2 thìa canh đường trộn chung và để trong 15 phút.
- Hành lá thái nhỏ.
Cách thực hiện
Bước 1. Bột khi ngâm đủ 30 phút bạn loại bỏ phần nước, giữ lại phần bột và tiếp tục thêm nước sạch vào ngâm tiếp 30 phút. Sau đó đổ phần nước và thêm 400ml nước cốt dừa vào, trộn đều và lược qua rây để loại bỏ hoàn toàn phần bột vón cục, giúp bột mịn hơn. Thêm 1 thìa canh dầu ăn, 1 thìa cafe muối rồi khuấy đều.
Ngâm và rửa bột với nước nhiều lần
Bước 2. Bạn cho tất cả bột đã khuấy đều vào chảo sâu hoặc nồi lớn để khuấy trên bếp. Khuấy ở lửa lớn vừa đến khi bột đặc sệt thì dừng. Đây là bước giúp cho công đoạn hấp bột được nhanh chín. Do vậy bạn không cần khuấy bột quá chín, chỉ cần bột đặc, khuấy nặng tay là đạt.
Bước 3. Chuẩn bị nồi hấp và làm nóng trên bếp khoảng 10 phút. Thoa một lớp dầu trong lòng khuôn bánh và cho tất cả số bột vào trong khuôn, dùng phới dàn đều bề mặt bánh. Hấp chín bánh đúc trong thời gian 20 phút ở lửa lớn vừa. Lưu ý nên dùng khăn sạch phủ miệng nồi hấp, đậy nắp nồi lên trên để hơi nước không rơi vào bột.
Tôm xay nhuyễn, rang khô
Bước 4. Trong thời gian chờ đợi bánh chín bạn tiến hành làm nhân. Với phân tôm khô ngâm nở đã để ráo ở trên cho vào máy xay nhuyễn. Tiếp tục cho vào chảo và rang khô không dầu.
Bước 5. Hành lá thái nhỏ cho vào chén, thêm 1 ít muối và cho dầu ăn đã nấu sôi vào để làm mỡ hành. Hoặc bạn cũng có thể cho hành lá trực tiếp vào dầu đang sôi để phi thơm.
Chế biến mỡ hành
Bước 6. Sau khi bột hấp đủ 20 phút bạn kiểm tra bằng cách dùng que xóc vào phần bột nếu không dính que nghĩa là bánh đã chín. Như vậy bạn đã có bánh đúc chín để thưởng thức. Để nguội và thoa một ít dầu ăn lên dao rồi cắt bánh thành miếng vừa ăn.
Bước 7. Làm nước mắm chua ngọt. Cho 2 chén nước lọc, ½ chén đường, ½ chén nước mắm rồi thêm tỏi, ớt, vắt 1 lát chanh rồi khuấy đều là được. Nếu thích ăn cay, ăn mặn hoặc ăn chua bạn hoàn toàn có thể thay đổi công thức làm nước chấm này.
Bày bánh ra đĩa và thưởng thức
Bước 8. Rắc mỡ hành và tôm chấy lên bánh, rồi ăn kèm cùng với nộm chua cà rốt đã thực hiện ở trên. Bánh ăn kèm với nước mắm chua ngọt đậm đà, thơm cốt dừa và phần nhân tôm mặn mà ngon khó cưỡng.
Cách làm bánh đúc Huế
Bánh đúc truyền thống ở Huế gồm hai loại, một là bánh đúc ăn kèm mắm nêm và hai bánh đúc mật. Đây không phải là công thức riêng của Huế nhưng hương vị đặc trưng của món ăn thì không lẫn vào đâu được.
Bánh đúc mắm nêm có màu trắng, mắm nêm đậm đà càng nhiều ớt càng ngon. Loại bánh đúc này thực hiện đơn giản, tương tự như cách làm bánh đúc truyền thống. Còn bánh mật màu xanh lá, ăn kèm nước mật mía vô cùng hấp dẫn. Đây là loại bánh chỉ bán vào mùa Xuân.
Ở đây bài viết sẽ hướng dẫn các bạn thực hiện bánh đúc mật. Nguyên liệu gồm có:
- Bột gạo: 200g;
- Bột năng: 100g;
- Lá bồn bồn;
- Lá dứa;
- Mật mía;
- Chanh;
Cách thực hiện
Bước 1. Cho bột gạo và bột năng trộn chung, hòa tan với nước lọc và ngâm trong thời gian 30 phút. Sau đó đổ phần nước lọc, tiếp tục thêm nước mới và ngâm trong thời gian 30 phút. Ở đây sẽ không sử dụng nước vôi trong mà dùng bột năng để thay thế giúp bánh có độ dẻo và dai.
Bước 2. Lá dứa và lá bồn bồn rửa sạch, xay nhuyễn. Bạn lọc lấy phần nước, loại bỏ phần xác. Thêm nước cho đủ 400ml nước lá bồn bồn.
Bước 3. Cho bột gạo đã chắc bỏ nước ở bước 1 trộn với 400ml nước lá bồn bồn ở bước 2. Trộn đều để các nguyên liệu hòa tan vào nhau.
Bước 4. Dùng nồi lớn để khuấy bột. Khuấy đều trên lửa lớn cho đến khi bột bắt đầu đặc, sệt lại thì tắt bếp.
Bước 5. Cho toàn bộ phần bột vào khuôn hấp đã phết một lớp dầu mỏng, cho vào nồi hấp đã làm nóng trước đó 10 phút. Đậy lá chuối trên khuôn hoặc khăn sạch để nước không rơi vào bột. Hấp ở lửa lớn trong thời gian 20 phút.
Bước 6. Bánh sau khi được hấp chín thì để nguội. Sau đó cắt ra thành từng miếng vừa ăn để thưởng thức. Bánh chín có màu xanh lục đẹp mắt, thơm thoang thoảng mùi hương đồng quê.
Bánh đúc Huế có màu xanh đặc trưng của lá bồn bồn
Bước 7. Nước chấm là mật mía đã nấu chín. Bạn vắt chanh để tạo độ ngọt thanh, sệt cho nước chấm.
Dùng dao tre quết mật lên bánh để ăn, đậm chất Huế. Đây là món quà tuổi thơ gắn liền với bao thế hệ người dân Cố đô. Bánh đúc mật gói trong lá chuối tươi, chấm kèm với mật mía vừa giản dị, vừa thanh mát.
Nước chấm mật mía thanh mát
Trên đây là hướng dẫn cách làm bánh đúc miền Trung. Đây là món ăn giản dị, gắn liền với tuổi thơ của bao người. Mong rằng với chia sẻ từ bài viết sẽ giúp bạn thực hiện thành công món ăn, gợi nhớ hương vị quê hương.
Nguồn tham khảo: https://tuvaobep.com/cach-lam-banh-duc-mien-trung/
Trả lời