Sự phát triển về xã hội và cảm xúc cũng là một trong những cột mốc phát triển quan trọng trong cuộc đời bé. Đây sẽ là nền tảng để bé giao tiếp và tương tác với mọi người trong tương lai. Dưới đây là một số điều mà trẻ 7 tháng tuổi có thể làm được:
- Cười và có thể thể hiện cảm xúc rõ ràng hơn như cáu kỉnh, khó chịu…
- Nhận ra được những người xung quanh và cảm thấy thích thú khi nhìn thấy người quen
- Quan sát cảm xúc của cha mẹ và cố gắng bắt chước
- Bắt đầu biết điều gì mình thích và không thích
- Có thể phát hiện những đứa trẻ khác và khóc nếu các bé khác khóc
- Phát triển hành vi sợ người lạ.
Kỹ năng giao tiếp
Việc tìm kiếm sự chú ý bằng cử chỉ và âm thanh là một trong những dấu hiệu cho thấy kỹ năng giao tiếp của trẻ đang phát triển. Ngoài ra, trẻ còn có thể:
- Bắt đầu sử dụng các nguyên âm như “o” và “a” khi bập bẹ
- Hiểu được rằng hai người sẽ nói chuyện luân phiên khi giao tiếp và sẽ thử áp dụng khi bập bẹ với bạn bằng cách tạm dừng để bạn trả lời rồi sau đó lại tiếp tục
- Cố gắng bắt chước những từ mà bạn nói
- Trẻ 7 tháng hay la hét hoặc đập tay để thu hút sự chú ý của người lớn.
Mọc răng
Mọc răng là một trong những vấn đề khó khăn nhất mà trẻ 7 tháng tuổi phải đối mặt. Bởi việc này có thể làm cho bé vô cùng khó chịu. Bạn có thể hỗ trợ bé vượt qua bằng cách cho bé ăn thức ăn nghiền hoặc những món ăn mềm và dễ tiêu hóa như chuối, đu đủ chín, hồng xiêm…
Một số dấu hiệu trẻ mọc răng mà mẹ nên chú ý:
- Bé bắt đầu chảy nước dãi nhiều hơn
- Nhai đồ chơi hoặc mút ngón tay
- Biếng ăn hoặc khó chịu khi ăn
- Hay khóc vào ban đêm và không chịu ngủ
- Nướu sưng đỏ
- Răng nhú từ từ ra khỏi nướu
- Sốt hoặc phát ban
- Tiêu chảy hoặc táo bón
Vấn đề ăn uống
Trẻ 7 tháng tuổi sẽ cần được cung cấp từ 113 – 250 g thực phẩm mỗi ngày bao gồm cả sữa mẹ và sữa công thức (nếu mẹ không đủ sữa cho bé). Bạn có thể bắt đầu tập cho bé ăn dặm bằng cách nghiền hoặc xay nhuyễn thức ăn.
Ngoài ra, bạn có thể cho bé ăn đa dạng các loại rau củ và trái cây như dưa chuột, cà rốt, đậu, chuối, táo, lê… Ở giai đoạn này, bạn cũng có thể bắt đầu cho bé ăn bốc.
Có thể bạn quan tâm: Trẻ 7 tháng tuổi ăn được những hoa quả gì? Chế biến như thế nào?
Khi nào bạn sẽ cần đến sự tư vấn của bác sĩ?
Bạn không cần phải đưa bé đến gặp bác sĩ nếu con chỉ hắt hơi hoặc bị nấc thông thường. Tuy nhiên, nếu có các dấu hiệu sau, bạn cần đưa trẻ đi khám ngay:
- Trẻ sơ sinh trong độ tuổi này thường ngủ khoảng từ 12 đến 14 giờ mỗi ngày kể cả ngủ trưa trong ngày. Vì vậy nếu bé không ngủ ngon hoặc ngủ không đủ, hãy đưa trẻ đi khám
- Trẻ bị sốt hơn 39°C
- Trẻ bị phát ban
- Trẻ có các dấu hiệu mất nước như tiểu ít hoặc hay khô miệng
- Gặp khó khăn khi thở
- Không thể ngồi dậy dù bố mẹ đã hỗ trợ
- Chậm chạp hoặc thờ ơ với các hoạt động hoặc không đáp ứng với âm thanh lớn hay khi được gọi tên…
Bên cạnh đó, ở thời điểm này, bạn cũng đã có thể bắt đầu đánh răng cho bé nhẹ nhàng bằng bàn chải mềm. Tuy nhiên, hãy hỏi bác sĩ về phương pháp chải răng an toàn nhất cho bé nhé.
Bí quyết để trẻ dễ dàng đạt được các mốc phát triển quan trọng
Bạn có thể giúp bé đạt được mọi cột mốc phát triển quan trọng bằng một vài mẹo nhỏ sau:
- Bắt đầu tập cho bé uống bằng cốc nhỏ hay cốc tập uống để phát triển các kỹ năng vận động
- Đặt đồ chơi ngoài tầm với để khuyến khích bé bò và nhặt chúng
- Chơi ú òa với trẻ
- Nói chuyện, hát, đọc truyện cho bé nghe thường xuyên hơn để kích thích sự phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ
- Dạy trẻ vẫy tay để nói tạm biệt, nói xin chào khi gặp ai đó…
Mỗi đứa trẻ sẽ có một tốc độ phát triển khác nhau, chính vì vậy, nếu bé không đạt được những cột mốc phát triển kể trên thì bạn cũng đừng quá lo lắng. Hãy kiên nhẫn và tạo một môi trường lành mạnh, an toàn để bé tự do khám phá thế giới nhé.
Ngân Phạm / HELLO BACSI
Nguồn tham khảo: https://hellobacsi.com/nuoi-day-con/be-0-1-tuoi/nam-dau-doi-cua-be/su-phat-trien-cua-tre-7-thang-tuoi/
Để lại một bình luận